Tình hình dịch Covid-19 đợt bùng phát thứ 4 đặc biệt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế nói chung, đặc biệt ngành lữ hành du lịch nói riêng.
Là công ty lữ hành lớn nhất nước, Vietravel (VTR) là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Chia sẻ với chúng tôi về tình hình hoạt động những tháng giãn cách vừa qua, đại diện VTR cho biết dịch bệnh Covid-19 với 4 lần đi rồi đến và chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó VTR kinh doanh ở cả 2 lĩnh vực hàng không và du lịch: 2 ngành được xem là bị ảnh hưởng nặng nhất trong các đợt dịch vừa qua.
"Gần 5 tháng Tp.HCM giãn cách xã hội, doanh thu VTR gần như bằng 0. Hiện tại, Chúng tôi mong muốn du lịch có thể sớm "tái xuất" theo từng giai đoạn, lộ trình để phục hồi lại hoạt động kinh doanh", bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc - Ban Tiếp thị Công ty bày tỏ.
Đến hiện tại, tỷ lệ tiêm phòng 2 mũi vắc xin của người dân Tp.HCM là khá cao, đây là điều kiện tốt để thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên do tình hình kiểm soát dịch bệnh mỗi vùng khác nhau nên người dân cũng chỉ mới được đi lại trong nội vùng. Ngoài ra, sau hơn 4 tháng bị giãn cách, giờ đây người dân cũng mới đang "bắt nhịp" trở lại.
Tại VTR, bà Khanh cho biết Công ty cũng từng bước triển khai kế hoạch kinh doanh theo từng giai đoạn phù hợp với tình hình xã hội và chủ trương của nhà nước. Hiện tại, VTR đang tập trung triển khai các sản phẩm như Cần Giờ, Củ Chi, đón khách Việt hồi hương.
"Ngày 29/10/2021 tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện chuyến bay đón công dân từ Mỹ, Canada, Úc, Dubai, Pháp, Anh Quốc và tất cả các quốc gia khác quá cảnh tại Incheon - Hàn Quốc. Chuyến bay thuê bao (charter) do VTR tổ chức sẽ đón khách xuất phát từ Incheon (Hàn Quốc) về Nha Trang (Việt Nam)", bà Khanh nói.
Về mục tiêu doanh thu của ban lãnh đạo, đến nay do nhu cầu khách Việt hồi hương khá nhiều nên tình hình kinh doanh mảng này tại Công ty khá ổn. VTR theo kế hoạch sẽ tiếp tục mở bán vé khởi hành vào tháng 11,12/2021, dự kiến vào các ngày 12, 27/11; 17, 31/12
Trong đó, với sản phẩm nội vùng, một số khách hàng cũng đã bắt đầu đăng ký trở lại. Tuy nhiên tình hình ngành du lịch từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn, dự báo ngành du lịch Việt Nam có khả năng mất hết năm nay và chỉ có thể khởi động lại từ đầu năm 2022.
Do đó, dự kiến doanh thu năm nay của VTR có thể không đạt được 10% doanh số năm 2019, đại diện Công ty ước tính.
Báo cáo kinh doanh đến quý 1/2021, doanh thu thuần Công ty giảm 65% so với quý 1/2020 và đạt 277 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành Công ty giảm mạnh xuống còn gần 72 tỷ đồng – chỉ bằng 1/12 con số cùng kỳ; doanh thu bán vé máy bay cũng giảm hơn một nửa xuống gần 71 tỷ đồng.
Đây cũng là quý đầu tiên hãng hàng không Vietravel Airlines đi vào hoạt động. Theo đó, khấu trừ chi phí, VTR lỗ ròng 71,5 tỷ. Lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/3/2021 theo đó ghi nhận hơn 102 tỷ đồng.
Dù chỉ số kinh doanh không khả quan, bà Vân nhấn mạnh giữa những rủi ro do đại dịch, VTR xác định sự kiên nhẫn là yếu tố quan trọng nhất trong điều hành. "Sự kiên nhẫn ở đây chính là bình tĩnh lựa chọn, tìm ra con đường đi chứ không có nghĩa là ngồi im. Công ty không chỉ tích cực đóng góp những ý kiến hữu ích cho chính phủ mà còn luôn tìm biện pháp điều chỉnh, phù hợp với tình hình mới", đại diện Công ty chốt lời.