Năm 2013 khi thị trường bất động sản rơi vào cuộc khủng hoảng, Bầu Đức đã tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam. Kế hoạch tái cấu trúc HAGL bao gồm 2 việc chính: thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, BĐS tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và BĐS tại Myanmar.
Theo đó, các lĩnh vực nông nghiệp Tập đoàn tham gia là nuôi bò (lấy thịt và sữa), trồng cao su, mía đường, cọ dầu…Sau nhiều năm, nông nghiệp đã mang lại những quả ngọt đầu tiên cho Bầu Đức lợi nhuận sau thuế của HAGL Agrico trong năm 2017 đã đạt con số 530 tỷ đồng.
Tiếp sau HAGL, năm 2015 Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tiến vào nông nghiệp khi xây dựng chuỗi khép kín trồng và tiêu thụ rau sạch VinEco. Tập đoàn này đầu tư nguồn vốn lên đến khoảng 2.000 tỷ đồng với tham vọng định vị lại thị trường rau sạch tại Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.
Sau 3 năm, Vingroup đã có những thành công đột phá khi VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 15 nông trường với tổng diện tích sản xuất gần 3.000 hecta trên cả nước áp dụng đa dạng phương pháp canh tác công nghệ nông nghiệp cao. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp sạch của Vineco đã được tiêu thụ tại 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi VinMart tại 26 tỉnh, thành phố với quy mô tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản.
Sau Vingroup, năm 2017 FLC cũng tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, với quỹ đất dự kiến vào khoảng 4.000 ha, cùng tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2018- 2020 ước tính lên tới 1,5 tỷ USD. Hiện nay, hàng loạt tỉnh thành được FLC triển khi dự án nông nghiệp công nghệ sạch là Hà Tính, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ninh....
Ngành nông nghiệp ngày càng thu hút các ông lớn trong ngành BĐS tham gia. (Ảnh: Bộ trưởng Vicente Fernandes và ông Đỗ Quang Hiển ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh nông sản).
Bước sang năm 2018, Tập đoàn T&T của Bầu Hiển cũng tiến sâu vào lĩnh vực nông nghiệp khi liên tiếp trở thành cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp lớn như: Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội)…
Tuy nhiên, T&T có vẻ muốn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chứ không đầu tư vào theo hướng nuôi trồng như một số đại gia đã "lấn sân" nông nghiệp. Cụ thể, mới đây nhất ngày 6/7, Tập đoàn T&T đã cam kết sẽ nhập khẩu hạt điều thô từ nước Guinea Bissau với khối lượng khoảng 150.000-200.000 tấn/năm. Được biết, đây là khối lượng tương đương với tổng sản lượng hạt điều thô hàng năm của Guinea Bissau. Hiện nay Guinea Bissau đứng thứ 5 về sản lượng hạt điều thô trên toàn thế giới.
Ngoài hạt điều, hai bên cũng đề cập tới khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Guinea Bissau trong những năm sắp tới. Tập đoàn T&T Group cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho phía Guinea Bissau…
Nhận định về việc các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây liên tục đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng khẳng định các doanh nghiệp đã thấy những cơ hội từ ngành nông nghiệp bởi đầu tư vào nông nghiệp có cái lợi là "thu tiền nhanh".
"Cụ thể, nếu như trước đây, doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, xây dựng, sắt thép… thì nay thấy nông nghiệp là ngành cạnh tranh tốt với các điều kiện về tự nhiên, lao động giá rẻ…", ông Tuấn khẳng định.
Cùng quan điểm với ông Tuấn, nhiều chuyên gia cũng đánh giá việc nhiều đại gia đổ xô đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, đây là một lĩnh vực tiềm năng và có khả năng phát triển bền vững ở nước ta, nhất là khi Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề.
Theo các chuyên gia, thống kê tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về ngành hàng thịt lợn, rau cho thấy người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn 30% giá trị của sản phẩm nếu biết được đó là sản phẩm an toàn và có nguồn gốc. Thế nhưng, với một nền nông nghiệp theo quy mô hộ gia đình, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với bài toán đầu tư để phát triển. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp lớn "tham gia "miếng bánh thơm" này.