Cổ phiếu lớn nhỏ không ngừng tăng giá trong vài tháng qua và lên các đỉnh cao lịch sử. Không ít ông chủ tranh thủ bán ra và thu về cả nghìn tỷ đồng tiền mặt.
CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va - Novaland (NVL) vừa công bố ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT đăng ký bán ra 12 triệu cổ phiếu NVL trong tổng số hơn 216,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,99%) đang sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 12/1 đến 10/2/2021.
Với mức giá gần 74.000 đồng/cp như hiện tại, nếu bán thành công, ông Bùi Thành Nhơn sẽ thu về khoảng 880 tỷ đồng. Nếu giữ đà tăng giá, chỉ vài ngày nữa con số có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Đây có lẽ cũng là thương vụ kinh doanh cổ phiếu thành công hiếm có, với mức lợi nhuận khoảng 250-400 tỷ đồng trong vài tháng.
Trước đó, hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5, ông Bùi Thành Nhơn mua thêm 10 triệu cổ phiếu NVL với giá khi đó khoảng 52.000 đồng/cp.
Thuduc House (TDH) vừa thông báo con trai chủ tịch Lê Chí Hiếu vừa bán ra hết cổ phần trước khi TDH liên tục giảm sàn và giảm mạnh trong những phiên vừa qua sau khi Cục thuế TP.HCM có thông báo áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do Thuduc House vi phạm thủ tục hành chính gây ra và đề nghị thu hồi tổng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng xuất khẩu đã hoàn thành lên tới gần 400 tỷ đồng.
Novaland là một doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam. |
Không chỉ con trai Chủ tịch, vợ ông Lê Chí Hiếu là bà Phạm Thị Xuân Lan vừa bán ra 500.000 cổ phiếu TDH, giảm tỷ lệ sở hữu về mức 0,11%. Trước đó vào ngày 11-12/11/2020, vợ của Phó Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Minh Anh cũng bán toàn bộ 934.400 cổ phiếu TDH đang nắm giữ.
Hồi tháng 12/2020, vợ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài - Phan Thị Thu Hiền - đã bán 500.000 cổ phiếu MWG khi cổ phiếu này lên chạm đỉnh cao kỷ lục thu về hàng chục tỷ đồng. Sau giao dịch, bà Hiền sở hữu hơn 1,95 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,4309% vốn.
Từ tháng 10 trở lại đây, nhiều người trong nội bộ doanh nghiệp niêm yết trên sàn bắt đầu có động thái bán ra khi thị giá cổ phiếu này liên tục tăng, không ít đã trở lại đỉnh cao lịch sử.
Tại TTC Hospitality (VNG), loạt lãnh đạo doanh nghiệp này lần lượt đăng ký bán hết cổ phiếu. Các lãnh đạo CVT cũng đăng ký bán sạch cổ phiếu khi giá tăng sốc.
Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cũng bán hơn 1,12 triệu cổ phiếu PAN sau khi cổ phiếu này tăng mạnh. Vinamilk đăng ký bán hết hơn 310.099 cổ phiếu quỹ.
Có thể thấy, rất nhiều tổ chức và cá nhân tranh thủ giá cổ phiếu tăng mạnh để bán ra. Đây cũng là điều hợp lý và nó tạo ra sự cân bằng cho thị trường khi mà sức cầu đối với cổ phiếu tăng mạnh trong vài tuần gần đây.
Tín hiệu này cũng cho thấy, thị trường bắt đầu tới điểm ổn định hơn và có thể không còn tăng nóng trong thời gian tới. Chỉ số VN-Index đã lên sát đỉnh cao lịch sử và có thể chịu áp lực chốt lời mạnh trước điểm này. Trong 2021, chứng khoán được dự báo sẽ tăng tiếp nhưng sẽ không còn mạnh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index tăng mạnh thêm gần 15 điểm lên 1.170 điểm.
Theo BVSC, vùng kháng cự hiện tại của VN-Index vẫn nằm tại 1180-1200 điểm. Tuy nhiên, trạng thái quá mua của thị trường lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu cho thấy sức nóng của thị trường khá cao. Điều này có thể khiến thị trường sớm xuất hiện các phiên rung lắc điều chỉnh đan xen trong quá trình tăng điểm ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn tập trung nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.
Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép,... nhiều khả năng có kết quả kinh doanh quý IV tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm của các doanh nghiệp niêm yết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1, VN-Index tăng 13,28 điểm lên 1.156,49 điểm; HNX-Index tăng 4,55 điểm lên 216,23 điểm. Upcom-Index tăng 0,56 điểm lên 75,38 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 20,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà