Sau hơn 4 tháng ra mắt sản phẩm nước ngọt có gas vị cà phê, Coca-Cola mới đây tiếp tục tung ra sản phẩm cà phê sữa uống liền mang tên Georgia Coffee Max tại thị trường Việt Nam. Đây là nhãn hiệu cà phê sữa dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản trong suốt 30 năm của tập đoàn này. Phía Coca-Cola cho biết sản phẩm này được sản xuất từ 100% nguồn cà phê robusta của vùng Tây Nguyên.
Vì sao đã có Coca-Cola vị cà phê mà đơn vị này vẫn cho ra thêm sản phẩm cà phê sữa? Đại diện của Coca-Cola, ông Lê Trung Tín - Giám đốc nhãn hàng Georgia Coffee Max - cho rằng nếu như Coca-Cola vị cà phê giống như một loại nước giải khát, thường dùng lúc 3h chiều, thì sản phẩm cà phê mới lại đáp ứng cho các thời khắc cần đến 1 ly cà phê như buổi sáng, giữa sáng, sau khi ăn trưa, hay đêm khuya khi cần sự tỉnh táo để làm việc.
Hiện thị trường cà phê lon đã định hình nhiều tên tuổi. Tầm trung có Highlands Coffee , Nescafé, Mr.Brown…, tầm thấp hơn có Birdy của Ajinomoto, My Café của Pepsico. Liệu cà phê của Coca-Cola có làm nên chuyện?
Thị trường cà phê lon đã định hình nhiều tên tuổi của Highlands, Nescafé, Ajinomoto, Pepsico.
Theo ông Tín, thị trường Việt Nam tuy đã có nhiều thương hiệu cà phê đóng lon, nhưng theo nghiên cứu của Coca-Cola, ngành hàng cà phê còn lớn và tiềm năng còn rất nhiều cho người chơi tham gia vào thị trường này.
Giám đốc nhãn hàng mới nhìn nhận sản phẩm cà phê lon của Coca-Cola có 4 lợi thế cạnh tranh: Thương hiệu toàn cầu và cách làm marketing đã được minh chứng thành công tại thị trường Nhật Bản; Chuỗi quản lý chất lượng sản phẩm từ đầu vào và đầu ra; Giá cả cạnh tranh; và Khả năng phân phối rộng khắp của đội ngũ bán hàng Coca-Cola.
"Đây là 4 lợi thế cạnh tranh hết sức quan trọng cho công ty. Như tôi nói, đây không phải sản phẩm toàn cầu với hương vị toàn cầu, mà là một sản phẩm Toàn cầu với hương vị Việt Nam, đáp ứng được 2 tiêu chí của một ly cà phê với người Việt: Sự tỉnh táo và Hương vị thân quen", ông Tín nói.
Xét về giá, mức giá cạnh tranh được đại diện của Coca-Cola nhiều lần đề cập là 12.000 đồng/lon. Trong khi đó tại các cửa hàng tiện lợi, Highlands Coffee và Nescafé đang được bán với mức giá 15.000 – 16.000 đồng/lon. Ở phân khúc thấp hơn, Birdy của Ajinomoto và My Café của Pepsico cùng có mức giá 12.000 đồng/lon.
Xét về thành phần, Georgia Coffee Max không chứa đậu nành như Nescafé.
Trong 100ml Georgia Coffee Max có 9g đường và 0,9g chất béo. Hàm lượng này ở Highlands lần lượt là 13g và 2g. Đây là lý do cà phê của Coca-Cola ít ngọt hơn Highlands. Tuy nhiên, đây có phải điểm mạnh của nhãn hàng cà phê này hay không thì chưa thể khẳng định, do người dân từng vùng, miền của Việt Nam lại có khẩu vị khác nhau, đặc biệt người dân khu vực miền Nam khá ưa ngọt.
Không có đậu nành như Nescafé, không ngọt như Highlands, nhưng đó có phải lợi thế của Georgia Coffee Max - loại cà phê mới của Coca-Cola?
Về vị trí tại các quầy – kệ của cửa hàng tiện lợi, qua khảo sát một số cửa hàng Circle K – hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam, trong khi các thương hiệu "chen chúc" trong tủ lạnh, thì Highlands đang có vị trí rất đẹp cùng chương trình khuyến mãi mua 2 tặng 1. Hiện các sản phẩm mới của Georgia Coffee Max chưa xuất hiện trên các quầy hàng ở Circle K, VinMart+ hay Co.op Food.
Highlands có vẻ rất "chịu chi" để có được một vị trí đẹp tại Circle K.