Đại gia Việt kín tiếng đổ hàng trăm tỷ vào các DN xây dựng và hạ tầng Việt Nam. Những thương vụ trao tay hậu cổ phần hóa cho thấy không dễ xác định ai thực sự sở hữu các DN Nhà nước nổi tiếng một thời.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), một nhà đầu tư cá nhân có tên Trần Tấn Phát vừa bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để sở hữu 13,7 triệu cổ phiếu CC1 của Tổng công ty Xây dựng số 1 và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Trước khi trở thành cổ đông lớn của CC1, ông Phát không sở hữu cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng số 1. Trong phiên ngày 3/2, thị trường ghi nhận có có giao dịch thỏa thuận với khối lượng tổng cộng 13,7 triệu cổ phiếu CC1 với tổng giá trị giao dịch hơn 205 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận bình quân 15.000 đồng/cp.
Bên bán chưa được xác nhận nhưng một số cổ đông đã đăng ký bán ra cổ phiếu CC1. Cụ thể, Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt (BVIF) đã bán thành công 10,4 triệu cổ phiếu CC1. Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cũng đã bán ra toàn bộ gần 1,47 triệu cổ phiếu CC1.
Việt Nam có nhiều đại gia kín tiếng. |
CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cũng đã đăng ký bán bán toàn bộ 20,9 triệu cổ phiếu CC1 (tương đương 19,06% vốn cổ phần). CTCP Cơ điện lạnh Nam Thịnh cũng đăng ký bán hết 16,5 triệu cổ phiếu CC1 đang nắm giữ.
Tuấn Lộc là một cái tên nổi tiếng trong các thương vụ cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Tuấn Lộc có tên trong danh sách các cổ đông lớn của CC1 từ trước khi doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn tháng 7/2017.
Trước đó hồi 2017, CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cũng gây xôn xao thị trường với vụ thâu tóm "ông lớn" cùng ngành có bề dày 50 năm CTCP Tập đoàn Cienco4 (Cienco4). Doanh nhân trẻ 8x Trần Tuấn Lộc, quê ở Nam Đàn, Nghệ An trở thành ông chủ Cienco4.
Một thời gian dài sau đó, đại gia thực sự của Cienco4 mới lộ diện: vợ phó chủ tịch Nghệ An. Trong báo cáo quản trị 2016 của Cienco4, bà Trương Thị Tâm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Trong khi đó, doanh nhân trẻ nổi đình đám Trần Tuấn Lộc không còn là thành viên HĐQT.
Trong báo cáo 6 tháng cuối năm 2015, bà Trương Thị Tâm nắm giữ gần 9,6 triệu cổ phiếu Cienco4 và là cổ đông lớn của DN này. Ông Hoa nắm giữ hơn 126 ngàn cổ phiếu Cienco4.
Ngay trước thềm lên sàn, hồi đầu tháng 10/2018, vợ phó Chủ tịch Nghệ An bất ngờ bỏ ghế sếp lớn Cienco 4. Ngay sau khi vợ phó Chủ tịch Nghệ An bất ngờ bỏ ghế sếp lớn, Cienco 4 đã công bố ngày lên sàn với quy mô định giá 1.400 tỷ đồng. Vợ ông Lê Ngọc Hoa rút đi trong khi cổ đông lớn cũng đổi tên.
HĐQT Cienco4 đã có nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với bà Trương Thị Tâm kể từ ngày 2/10/2018, dựa trên kết quả xem xét Đơn xin thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và từ nhiệm Thành viên HĐQT Cienco4 của bà Tâm trước đó.
Bà Trương Thị Tâm là vợ của ông Lê Ngọc Hoa, phó chủ tịch Nghệ An - người từng làm TGĐ Cienco4 sau một thời gian dài năm giữ vị trí giám đốc CTCP 482 (thành viên của Cienco4). Tới cuối 2014, ông Hoa bị bãi nhiệm chức danh TGĐ Cienco4 trước khi được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong một cuộc họp bất thường của HĐND tỉnh này.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index có xu hướng đi ngang sau 2 phiên tăng mạnh và hiện ở trên ngưỡng 1.150 điểm.
Theo BVSC, VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.160-1.180 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Lực cung chốt lời tại vùng kháng cự này có thể sẽ gia tăng mạnh và khiến thị trường chịu áp lực rung lắc mạnh. Phiên ngay mai cũng là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 2 nên diễn biến của thị trường có thể bị biến động mạnh ở một số thời điểm trong phiên, đặc biệt là giai đoạn cuối phiên. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến diễn biến thị trường trong hai tuần cuối tháng 2.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/2, VN-Index tăng 40,42 điểm lên 1.155,78 điểm; HNX-Index tăng 5,67 điểm lên 230,57 điểm. Upcom-Index tăng 1,92 điểm lên 75,74 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 16,0 nghìn tỷ đồng.
V. Hà