Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (mã chứng khoán GEX) vừa ra thông báo về việc Công ty Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankCapital) đã bán gần 7,5 triệu cổ phiếu GEX và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 20/8, Quỹ này đã bán 5,3 triệu cổ phiếu. Tiếp đó, phiên ngày 21/8, GEX đã bán tiếp 2,188 triệu cổ phiếu GEX. Mục đích bán ra được VietinbankCapital cho là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Sau hai lần bán mạnh này, VietinbankCapital đã giảm sở hữu tại GEX xuống còn 15,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,61% vốn điều lệ, từ đó không còn là cổ đông lớn của tổng công ty này.
Trên thị trường, trong hai phiên giao dịch trên, GEX giao dịch sôi động với lượng mua "khủng". Giá cổ phiếu được sang tay chủ yếu ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính, VietinbankCapital đã thu về khoảng 225 tỷ đồng.
Ngày 21/8, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ MB (MBCapital) cũng đã bán 12 triệu cổ phiếu GEX qua đó giảm sở hữu xuống 16,2 triệu cổ phần, tương ứng 4,79% vốn điều lệ.
Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Đỏ cũng đã đăng ký bán 6,4 triệu cổ phần GEX. Nếu giao dịch thành công, đơn vị này chỉ còn nắm giữ 1 triệu cổ phần GEX, tương ứng với tỷ lệ 0,3%
Kể từ năm 2017 trở lại đây, GEX có quá trình tăng vốn khá nhanh. Tháng 1/2017, GEX tăng vốn từ 1.550 tỷ lên 2.320 tỷ đồng, đến tháng 7 năm đó, GEX tiếp tục tăng vốn lên 2.668 tỷ đồng.
Ngày 3/8 vừa qua, GEX cũng niêm yết bổ sung 72 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 3.338 tỷ đồng.
Mới đây, Hội đồng quản trị GEX đã quyết định chi thưởng cổ tức bằng tiền và cổ phiếu. Theo đó, công ty sẽ chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% mệnh giá ( 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).
Cũng trong lần chốt quyền này, Gelex sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Công ty dự định phát hành thêm 67,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 20% (Cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu).
Nguồn vốn cho đợt phát hành sẽ lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tổng công ty. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ mới của Gelex sẽ tăng lên mức 4.065 tỷ đồng.
Về cổ phiếu GEX, từ giữa năm 2016 đến nay, GEX tăng trưởng mạnh cả về giá và khối lượng giao dịch. Kết phiên giao dịch 30/8/2018, GEX dừng tại 29.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng gấp 3 lần so với lúc lên sàn.
Như vậy, các quỹ đầu tư tại GEX đã chọn đúng thời điểm GEX giá cao để thoái vốn thu lời.
GEX tiền thân là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Năm 2015, GEX được Bộ Công Thương bán toàn bộ vốn. Cũng trong năm này GEX được đưa lên sàn chứng khoán và có những thay đổi lớn trong cơ cấu lãnh đạo.
Hiện nay GEX đang tập trung vào các mảng hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động kinh doanh tiện ích như năng lượng và sản xuất, cung cấp nước sạch, hoạt động logistics, hoạt động về lĩnh vực bất động sản...Trong đó, hoạt động sản xuất thiết bị điện là mảng cốt lõi và chủ lực. 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết bị điện là 5.147 tỷ đồng, chiếm 83% tổng doanh thu của Tổng công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Gelex đạt trên mức 6.200 tỷ đồng và mang về 528 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
GEX đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng doanh thu và 1.820 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018.