Mới đây, CTCP Tập đoàn Đức Thắng đã có văn bản đề xuất gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc làm cụm dự án điện gió trên bờ và trên biển thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 13.893 tỷ đồng.
Các dự án đề xuất đầu tư bao gồm dự án cụm nhà máy điện gió Kỳ Anh có công suất 148,5MW được đầu tư tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh có tổng mức đầu tư 5.206 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án là 3.937 ha, dự kiến xây dựng 33 turbine gió, doanh thu dự kiến 949 tỷ đồng/năm.
Dự án thứ hai là nhà máy điện gió có công suất dự kiến 200MW được đầu tư xây dựng tại khu vực biển xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 8.687 tỷ đồng. Diện tích nghiên cứu khảo sát dự án khoảng 4.416 ha, xây dựng 40 turbine gió trên biển, doanh thu dự kiến 1.280 tỷ đồng/năm.
Trước khi đề xuất cụm dự án này, vào giữa năm 2015, Tập đoàn Đức Thắng đã bước chân vào lĩnh vực năng lượng khi chi ra 674,5 tỷ đồng để nắm giữ 95% vốn tại Công ty TNHH Thủy điện Nậm Mô Việt Nam (tên viết tắt NMPC VN) - chủ đầu tư dự án Thủy điện Nậm Mô có tổng mức đầu tư trên 200 triệu USD, với công suất thiết kế 120MW tại Lào.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , CTCP Tập đoàn Đức Thắng được thành lập vào tháng 9/2005, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn tre nứa, gỗ chế biến với vốn điều lệ ban đầu ở mức 80 tỷ đồng, thành phần cổ đông góp vốn là Trần Xuân Thạch (75%) và bà Dương Thị Hiền (25%). Đến tháng 3/2014, số vốn điều lệ tăng lên mức 280 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn của các cổ đông vẫn được giữ nguyên.
Cập nhật tại ngày 13/5/2021, Tập đoàn Đức Thắng có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó ông Trần Xuân Thạch vẫn là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ 75%, số còn lại thuộc về Dương Thị Hiền (20%) và Trần Quốc Thại (5%).
Ông Trần Xuân Thạch sinh năm 1966, là đại gia có tiếng ở Hà Tĩnh, đi lên từ lĩnh vực kinh doanh gỗ tại quê nhà Hương Khê. Chiếc Rolls-Royce thứ 4 ở Việt Nam với biển số VIP 38A-028.88 được nhập về ở thời điểm 10 năm trước phần nào cho thấy mức độ giàu có của vị doanh nhân này.
Ông Thạch từng chia sẻ về quá trình lập nghiệp của mình rằng: “Tôi và gia đình xuất thân từ công việc khai thác, chế biến và buôn bán lâm sản không chỉ ở Việt Nam mà còn sang các nước bạn như Lào và Campuchia. Với tính chất công việc nên thường xuyên phải đi công tác nhiều nơi với nhiều nước khác nhau”.
Sau Đức Thắng, bà Dương Thị Hiền sinh năm 1974 tiếp tục đồng hành với ông Trần Xuân Thạch góp vốn thành lập Công ty TNHH Trung Kiên vào năm 2010, đăng ký kinh doanh chính trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu nông lâm sản.
Ban đầu vốn điều lệ của Trung kiên chỉ là 18,2 tỷ đồng, đến tháng 6/2015, tăng lên 50 tỷ đồng, trong đó ông Trần Xuân Thạch nắm giữ 40%, còn bà Dương Thị Hiền sở hữu 60%. Vào tháng 8/2020, toàn bộ cổ phần cũng như vị trí giám đốc của bà Dương Thị Hiền được chuyển sang cho doanh nhân trẻ sinh năm 1998 có cùng địa chỉ thường trú là Trần Trung Kiên.
Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (17/5/2021), Công ty TNHH Trung Kiên chuyển tên gọi thành CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Trung Kiên với số vốn điều lệ 280 tỷ đồng, cổ đông gồm Trần Trung Kiên (65%), Phạm Quang Dương (5%) và Nguyễn Thu Thảo (30%).
Tháng 5 vừa qua, ông Thạch cùng bà Dương Thị Hiền đã cùng góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Đức Thắng vốn 100 tỷ đồng hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng.
Giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của Tập đoàn Đức Thắng chỉ dao động quanh mức chục tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2019 với 11,5 tỷ đồng. Hiệu quả kinh doanh cũng không quá tích cực, khi lỗ vài trăm triệu đồng trong các năm 2018-2019. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty đạt 440,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 279,4 tỷ đồng.