SCG gửi đến Chính phủ Việt Nam đề nghị mua lại toàn bộ dự án này để đẩy nhanh tiến độ dự án, vốn bị trì hoãn từ lâu. SCG hiện đang nắm 71% cổ phần của Hóa dầu Long Sơn, phần còn lại thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí (PVN).
Theo Nikkei, vào hôm thứ tư (24/01), ông Roongrote Rangsiyopash, CEO của Tập đoàn SCG, cho biết công ty này đang thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam về vấn đề đầu tư và chi tiết xây dựng. Khi được hỏi SCG có sẵn sàng mua nốt 29% cổ phần còn lại không thì ông Roongrote nói "mọi phương án đều đang để ngỏ".
Chaovalit Ekabut, Giám đốc tài chính của SCG, nói rằng dự án có thể bị trì hoãn thêm 6 tháng tính từ thời điểm hiện tại, dự kiến bắt đầu hoạt động vào nửa đầu năm 2022. Ông cho biết việc thi công có thể bắt đầu từ nửa đầu năm nay.
Kể từ năm 2008 khi dự án được duyệt, nhiều nhà đầu tư đã đến rồi đi. Đến nay, tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam đã đình trệ nhiều năm. Ban đầu, Hóa dầu Long Sơn dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2017.
Nhà đầu tư ban đầu của dự án là SCG và hai Tập đoàn Nhà nước là PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Trong đó, Tập đoàn của Thái là nhà đầu tư lớn nhất.
Năm 2012, doanh nghiệp Nhà nước của Qatar là Qatar Petroleum thâu tóm 25% cổ phần của dự án. Tuy nhiên, năm 2015, công ty này rút ra vì giá dầu giảm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty. SCG, khi đó sở hữu 46% cổ phần, quyết định mua lại lượng cổ phiếu của Qatar-Petroleum sau khi việc tìm kiếm đối tác mới không thành. Ngoài ra, Vinachem cũng rút khỏi dự án vào năm 2014, chuyển 11% cổ phần cho PVN.
Dự án này đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của SCG. "Chúng tôi có thể thấy rõ là với dự án Long Sơn, lĩnh vực hóa dầu của chúng tôi sẽ ngày càng mở rộng và hoạt động kinh doanh của chúng tôi ở Việt Nam cũng lớn mạnh hơn", ông Roongrote nói. Ông nói thêm: "Cơ hội trong các lĩnh vực khác tương đối nhỏ".
Nền kinh tế Thái Lan phục hồi chậm khiến ngành công nghiệp vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng theo. Năm 2017, nhu cầu xi măng của nước này giảm 5%. SCG dự báo doanh thu xi măng sẽ tăng 2-3% trong năm nay khi nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Thái Lan khởi công.
Để đa dạng hóa hoạt động sản xuất, SCG đang tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực. Công ty này xây dựng nhà máy ở Campuchia, Indonesia, Lào và Myanmar. Các nước đang phát triển được kỳ vọng sẽ chứng kiến ngành xây dựng bùng nổ trong những năm tới. Nhưng đồng thời, nhiều đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc cũng đang thâm nhập thị trường khu vực.
SCG đang xúc tiến đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Đầu tuần này, SCG mua 68,3% cổ phiếu của công ty sản xuất bao bì Interpress Printers Sendirian Berhad của Malaysia, với giá 104,5 triệu ringgit (26,5 triệu USD).
Lợi nhuận ròng của SCG trong năm 2017 giảm 2% xuống mức 55,04 tỷ baht (1,73 tỷ USD), doanh thu tăng 6% lên 450 tỷ baht. Điều này cho thấy cạnh tranh gay gắt trong ngành xi măng và vật liệu xây dựng.
Trong đó, doanh thu từ xi măng và các vật liệu xây dựng khác chiếm khoảng 39% doanh thu toàn tập đoàn, trong đó hóa dầu chiếm 46%. Doanh thu từ khu vực Đông Nam Á trừ Thái Lan tăng 9%, đạt 106 tỷ baht, chiếm 24% trong tổng doanh thu.