Nhiều doanh nghiệp (DN) đang niêm yết trên sàn chứng khoán buộc phải dời kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) hoặc lên phương án ĐHCĐ trực tuyến trong lúc mọi kế hoạch sản xuất, kinh doanh đều thay đổi do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chờ lúc thích hợp
Thời điểm này, lẽ ra đang là mùa ĐHCĐ của ngành ngân hàng (NH) nhưng năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hàng loạt NH thương mại đã thông báo hoãn ĐHCĐ, chờ đến lúc thích hợp.
Một số NH thương mại như Vietcombank, TPBank, VietinBank... đã gửi văn bản tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đề nghị gia hạn tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 đến thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý yêu cầu không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính (trước ngày 30-6-2020). Techcombank, Sacombank, ACB, Eximbank, ABBANK... cũng đã thông báo hoãn ĐHCĐ thường niên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và theo yêu cầu của cơ quan quản lý về việc hạn chế tụ tập đông người. Trong đó, một số NH đã chuẩn bị xong nhưng đến sát ngày ĐHCĐ phải hủy vì diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Bên cạnh những xáo trộn trong kế hoạch tổ chức ĐHCĐ, hầu hết DN đang đau đầu vì phải tính toán lại tất cả mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đại diện lãnh đạo một DN chuyên sản xuất thực phẩm, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ văn phòng, kho bãi... đang niêm yết trên sàn cho biết từ giữa quý III/2019 đã đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 tăng ít nhất 10% so với năm 2019. Đến tháng 12-2019, DN này đã phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận giảm hơn 15% so với năm 2019. Đến giữa tháng 3-2020, DN một lần nữa điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, đồng thời dời ĐHCĐ từ tháng 3 sang gần cuối tháng 4 này.
"Nếu cuối tháng 4 vẫn còn giãn cách xã hội, chúng tôi sẽ phải xin dời đến cuối tháng 6 theo quy định; đến lúc đó vẫn không tổ chức được thì sẽ tiếp tục xin ý kiến Sở Kế hoạch và Đầu tư" - đại diện DN này nói. Tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn có nhiều dự án đang triển khai tại TP HCM cũng cho hay hiện 2-3 dự án không thể triển khai kịp trong những quý đầu năm theo dự kiến; hầu hết các kế hoạch cho mùa ĐHCĐ đều phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Không chỉ DN đang rối bời mà các nhà đầu tư cũng sốt ruột vì giá cổ phiếu rớt thêm thảm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ông Hoàng Tín - nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM - cho biết nhà đầu tư quan tâm đến cổ tức, cổ phiếu nên rất trông chờ ĐHCĐ. "Đại dịch làm mọi thứ đảo lộn, lãnh đạo DN đang rối nên cổ đông có chất vấn cũng không thể thay đổi được tình thế. Chúng tôi chỉ mong lãnh đạo DN hết lòng và trung thực để nhà đầu tư an tâm" - ông Tính bộc bạch.
Nhiều cổ đông vẫn quen với biểu quyết trực tiếp khi tham dự đại hội cổ đông. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Lối mở cho đại hội online
Công ty CP FPT (FPT) là DN đầu tiên trên sàn chứng khoán tổ chức ĐHCĐ trực tuyến thành công trong mùa ĐHCĐ 2020. Theo đó, FPT tổ chức họp trực tuyến và bỏ phiếu từ xa; cổ đông gửi thư bản "cứng" với đầy đủ chữ ký cho công ty. Số cổ đông dự họp đại diện chiếm 67,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó có nhiều tổ chức như SCIC, Dragon Capital... Đại hội đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2019 là 35%, trong đó, 20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Mới đây, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã gửi văn bản xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi kế hoạch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2019. Cụ thể, Sacombank lấy ý kiến cổ đông thông qua quy chế tổ chức đại hội trực tuyến, bỏ phiếu điện tử và triệu tập ĐHCĐ bằng hình thức họp trực tuyến. Một số DN cũng đã và đang tiến hành các hình thức tương tự. Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) đang triển khai tổ chức ĐHCĐ trực tuyến theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBNCNN). Đặc biệt, để nhà đầu tư an tâm trong mùa đại hội này, NLG dựa trên tài liệu nghiên cứu, báo cáo chiến lược, bài học khủng hoảng của các tổ chức tài chính quốc tế... lập ra kế hoạch ứng phó vượt qua khủng hoảng.
Đại diện lãnh đạo UBCKNN cho biết cơ quan này đã triển khai công văn đến DN, hướng dẫn và yêu cầu phải chủ động tổ chức ĐHCĐ bằng nhiều hình thức: trực tuyến hay các hình thức phù hợp... tốt nhất là sau thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa chủ động, còn lừng khừng vì muốn chờ hết dịch và đến hạn theo quy định là cuối tháng 6 mới tổ chức. Cũng có DN đã triển khai tốt đại hội trực tuyến. "Có nhiều cách để thực hiện nhưng vấn đề là lãnh đạo DN phải chủ động, đưa ra phương án họp trực tuyến, phần nào phải biểu quyết mà không thể triển khai online thì có thể bỏ phiếu offline" - vị lãnh đạo này nêu quan điểm và không quên nhấn mạnh rằng vấn đề chính là DN phải làm để cổ đông an tâm và cũng nhằm giữ giá cổ phiếu trên thị trường.
Vẫn còn vướng
Theo UBCKNN, ĐHCĐ trực tuyến là xu hướng mà các DN niêm yết phải chủ động ứng dụng trong thời gian tới. Quy định pháp luật hiện hành đã có mở lối cho DN triển khai họp và bỏ phiếu điện tử. Mặc dù vậy, một số DN vẫn chưa đưa vào quy chế nội bộ. Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), cho rằng ĐHCĐ trực tuyến là rất cần thiết, tuy nhiên hầu như chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ này, các DN chưa đưa vào điều lệ. Trong khi đó, quy chế quản trị nội bộ bắt buộc phải thông qua ĐHCĐ biểu quyết chứ không lấy ý kiến bằng văn bản. Vì vậy, việc tổ chức trực tuyến hoàn toàn vẫn còn khó. Riêng VSD đã có dịch vụ biểu quyết điện tử từ 4 năm trước. Đặc biệt, trong đợt này, VSD cam kết giảm 30% giá dịch vụ cho các DN sử dụng dịch vụ biểu quyết điện tử.
Theo chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh, lẽ ra DN đã phải ứng dụng công nghệ họp trực tuyến từ những năm trước chứ không đợi đến khi đại dịch. Tuy nhiên, thực tế là nhà đầu tư vẫn muốn chất vấn trực tiếp lãnh đạo DN, nhất là các cổ đông nhỏ nên không thích ĐHCĐ trực tuyến. Mặc dù vậy, nếu các DN chủ động, thực hiện sớm, có thông báo cũng như triển khai cụ thể thì nhà đầu tư sẽ an tâm hơn.
Không ảnh hưởng quyền lợi nhà đầu tư
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng việc hoãn ĐHCĐ ảnh hưởng đến DN, NH thương mại là chính bởi sẽ không thông qua được các quyết định triển khai hoạt động quản trị và kinh doanh của đơn vị. Riêng cổ đông của các DN, NH thì về cơ bản không ảnh hưởng. "Ngay cả cổ tức của cổ đông cũng không ảnh hưởng bởi giá trị cổ phần, cổ phiếu gắn liền với giá trị của công ty. Do đó, quyết định chia sớm hay muộn chỉ là dịch chuyển sớm hay muộn giá trị từ công ty sang giá trị cá nhân..." - luật sư Trương Thanh Đức nói thêm.