Điểm nhấn đáng chú ý của kế hoạch này của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đó là định hướng xây dựng Vân Đồn trở thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực. Và để thực hiện điều đó, một loạt giải pháp đã được nêu ra, từ thu hút nguồn lực đầu tư khổng lồ, cơ chế hút nhân tài trong và ngoài nước đến quy hoạch tổng thể…
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu trọng tâm là xây dựng Vân Đồn trở thành vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam; nằm trong nhóm các thành phố đáng sống nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Còn tại kế hoạch chi tiết này, nhu cầu nguồn vốn cũng như lộ trình đã được Quảng Ninh đặt ra. Theo đó, giai đoạn từ 2019 – 2030, Vân Đồn cần huy động đầu tư khoảng 171.550 tỷ đồng (khoảng hơn 7 tỷ USD). Trong đó, vốn trong nước 75.150 tỷ đồng, vốn nước ngoài khoảng 96.400 tỷ đồng.
Nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD đang được triển khai tại Vân Đồn
Để có thể thu hút được nguồn vốn lớn này, Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, đáng chú ý là, kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ sẽ "thuê nước ngoài làm tư vấn và quản lý một số lĩnh vực kinh tế" ở Vân Đồn. Đây là cách làm khá phổ biến ở nhiều đặc khu, khu kinh tế trên thế giới. Một số nước họ thuê người nước ngoài nắm quyền quản lý ở vị trí trưởng đặc khu hoặc thị trưởng…
Bên cạnh đó là việc tăng cường quản lý quy hoạch, hoàn chỉnh việc quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi, công khai quy hoạch, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Nhất là quy hoạch các đô thị cao cấp để thu hút các doanh nghiệp lớn đến làm việc, sinh sống.
Việc xúc tiến đầu tư cũng được tỉnh Quảng Ninh đặt ra cho Vân Đồn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược như SunGroup nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng, mời gọi và thu hút các nhà đầu tư lớn ở các thị trường nước ngoài.
Ngoài ra Vân Đồn cũng sẽ tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, tại chỗ. Triển khai rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, du lịch tại khu kinh tế Vân Đồn. UBND tỉnh xem xét loại bỏ một phần hoặc toàn bộ các thủ tục không cần thiết, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Trong thời gian tới, Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ xúc tiến việc kêu gọi đầu tư ở các thị trường trọng điểm nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất để tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư vào du lịch, thương mại cho khu kinh tế Vân Đồn.
Nhiều nhà đầu tư lớn đang lên kế hoạch đầu tư vào Vân Đồn
Cùng với những kế hoạch về hút nguồn lực đầu tư lớn từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, theo kế hoạch của UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2019 – 2030 theo nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 8.350 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách tỉnh dành nguồn lực và bố trí 2.400 tỷ đồng giai đoạn 2019 - 2025 để đầu tư hạ tầng cho khu kinh tế Vân Đồn. Đề xuất ngân sách Trung ương cân đối nguồn lực, bổ sung cho khu kinh tế Vân Đồn 2.100 tỷ đồng giai đoạn 2019 – 2025.
Khu kinh tế Vân Đồn huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2025 và dành toàn bộ số thu ngân sách trên địa bàn để tái đầu tư. Ước tính, số thu ngân sách dành cho đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030.