Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti cho biết, Nghị quyết 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã tạo điều kiện định hướng cho các chiến lược phát triển trong giai đoạn trung và dài hạn.
Ông khẳng định, sự chuyển đổi năng lượng sẽ góp phần phát triển nền kinh tế bền vững tại Việt Nam. Đại sứ EU có chia sẻ kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu về tăng trưởng kinh tế xanh. Vào năm 2019, EU đã thông qua đề xuất European Green Deal, thực hiện các chính sách của Uỷ ban Liên minh châu Âu với mục tiêu giảm thải khí nhà kính của EU trong năm 2030 xuống ít nhất 50%.
Ông cho biết thêm, việc tăng trưởng không bền vững, khai thác quá mức nguồn nhiên liệu hoá thạch và ô nhiễm môi trường đang có những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến hành tinh của chúng ta. European Green Deal không chỉ là một bước đệm để giảm khí thải mà còn là một bước ngoặt để tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh và đổi mới.
Chúng tôi cũng đã cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết để thực hiện công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Ông Giorgio Aliberti cho biết Energy Union là chính sách trụ cột của Liên minh châu Âu trong việc phát triển năng lượng sạch, kết nối giữa các quốc gia thành viên và tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Từ năm 1990 đến 2017, nhờ vào chính sách này mà lượng khí thải đã giảm đi đáng kể.
Đại sứ EU cho biết thêm, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu, đảm bảo an ninh năng lượng. Trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 2005 đến 2015, ông cho biết, EU đã tăng gấp đôi sản lượng điện từ năng lượng tái tạo, tăng 30% so với trước đó.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo đang ngày càng phổ biển và ngày càng nhiều các quốc gia châu Âu có những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo.
Đại sứ EU nói thêm: "Trong khoảng 16 đến 18 tháng, khi nền kinh tế phục hồi, EU có thể nỗ lực gấp đôi để tiến hành phát triển năng lượng tái tạo và nắm bắt các cơ hội đầu tư với quy mô lớn".
Ông Giorgio Aliberti cho rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong công cuộc chuyển đổi năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Ông chia sẻ rằng các chính sách dài hạn sẽ cho phép thúc đẩy tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về khai thác năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Ông cho rằng sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển các nước láng giềng.
Việc phát triển năng lượng tái tạo không những có tác động tích cực tới môi trường như giảm khí nhà kính, mà còn mang lại nhiều tiềm năng cho nền kinh tế cũng như việc làm.