Trong những ngày này Việt Nam đang trở thành trung tâm thu hút sự chú ý to lớn của thế giới. Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lại chung" được tổ chức tại Đà Nẵng từ 5-11/11/2017.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai diễn đàn quan trọng này. Lần thứ nhất Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội năm 2006. Trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC, 18 nước đã đăng cai Hội nghị và chỉ có 8 nước được đăng cai hai lần.
Việc các thành viên APEC chọn Việt Nam đăng cai Hội nghị lần thứ hai năm nay không chỉ thể hiện sự tín nhiệm của một tổ chức chiếm một nửa kinh tế toàn cầu vào uy tín và vị thế của Việt Nam ngày một nâng cao trên trường quốc tế mà còn vào khả năng tổ chức một sự kiện vào loại lớn nhất hành tinh này.
Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017
Chỉ riêng việc đón tiếp, chỗ ăn ở, bảo đảm an ninh cho hơn 10.000 khách, trong đó có 21 lãnh đạo cấp cao nhất của các thành viên APEC không được để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ về lễ tân và hậu cần đã là một nhiệm vụ không hề đơn giản chút nào.
Một loạt các dự án lớn tại thành phố Đà Nẵng gồm sân bay quốc tế, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ariyana, Trung tâm báo chí, khách sạn Sheraton, công viên APEC, hạ tầng thông tin, giao thông, chỉnh trang đô thị... được hoàn thành trong một thời gian ngắn và đưa vào sử dụng.
Về nội dung, từ 18/2 đến 21/10/2017, chúng ta đã tổ chức 8 hội nghị lớn về các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch... 60 cuộc họp, hội thảo, đối thoại với sự tham gia của hơn 1.900 đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên tại 10 thành phố của Việt Nam.
Các nội dung do phía Việt Nam chuẩn bị và nêu ra, đặc biệt là các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên APEC được ban tổ chức và các đại biểu đánh giá cao.
Đặc biệt, sau kết thúc Hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Chile Michelle Bachelet sẽ bay ra Hà Nội tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tất cả bốn chuyến thăm này đều rất quan trọng nhưng phải nói chuyến thăm Hà Nội của ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ tháng 1/2017, ông Donald Trump mới chỉ đi thăm một số ít nước đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu, thì việc ông chọn Việt Nam là nước thứ 14 trên thế giới và nước thứ 4 ở châu Á sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cho các chuyến xuất ngoại của mình thể hiện chính quyền Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Từ hai cựu thù, Việt Nam và Mỹ đang trở thành đối tác tin cậy.
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc cũng trở nên nhộn nhịp chưa từng có, mặc dù hai nước có nhiều khác biệt trong vấn đề biển Đông. Ngay sau khi kết thúc Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng, Đặc phái viên của ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã sang thăm Việt Nam.
Cũng ngay sau Đại hội 19 và được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chọn Việt Nam là trạm dừng chân đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài của ông thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam. Đây là sự kiện hiếm có trong quan hệ giữa các nước lớn với Việt Nam.
Sau thành công của cấp cao APEC năm 2017, Việt Nam sẽ còn tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, trong đó có việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và hoàn tất các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO vào năm 2018.
Trước đó, Việt Nam là nước chủ nhà APEC đầu tiên được mời tham gia Hội nghị cấp cao của nhóm các nước công nghiệp G-20 được họp vào tháng 7/2017 tại Hamburg, Đức. Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có được một vị thế kép như ngày nay.
Hội nghị Cấp cao APEC Đà Nẵng 2017 với sự tham gia của các nền kinh tế lớn, trong đó có 13 trong số 25 quốc gia là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam, 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương của nước ta, là một cơ hội hiếm có thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước.
Hiện nay các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, 75% kim ngạch thương mại, 38% viện trợ phát triển chính thức ODA và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.
APEC Đà Nẵng 2017 khác nhiều APEC Hà Nội 2006. Đặc biệt, APEC Đà Nẵng có sự tham gia của 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Kinh tế thế giới cũng như Việt Nam không thể phát triển được nếu thiếu 3 nền kinh tế này.
Thế và lực của Việt Nam đã tăng lên rất nhiều. APEC Đà Nẵng là cơ hội cực kỳ tốt để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, một dịp tuyệt vời để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ với doanh nghiệp các nước trao đổi các tiềm năng hợp tác thành hiện thực.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc đều sẽ thuận buồm xuôi gió. APEC chỉ tạo ra một sân chơi lớn, ở đó mọi người tham gia đều bình đẳng.
Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là trình độ phát triển kinh tế của nước ta có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn được xếp vào hàng thấp nhất trong khối, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung còn yếu, cơ chế thị trường còn đang trong quá trình hình thành, các khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế...
Thực hiện các cam kết về tự do hoá thương mại và đầu tư, chúng ta phải mở cửa thị trường và dần dần xóa bỏ các quy định bảo hộ đối với doanh nghiệp trong nước. Đây là một khó khăn to lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực APEC.
Một nửa thế giới đã đến gõ cửa Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam hãy mở cửa ra để đón một làn sóng đầu tư mới với những thuận lợi và thách thức mới.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.