Trong năm 2021, báo The Straits Times (Singapore) từng đưa một dự báo rất kém lạc quan cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số. Tới đầu tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á (chỉ cao hơn Myanmar) với hơn 8 triệu liều tiêm, đạt tỷ lệ bao phủ 1 liều cho 7,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ tiêm chủng thấp là do nước ta không nhận được ưu tiên phân phối vaccine (vì vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh từ đầu năm 2020) trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu khan hiếm. Trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng mới Delta lây lan nhanh hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều và khó kiểm soát hơn nhiều.
Thông qua con đường ngoại giao, từ một nước tiếp cận vaccine COVID-19 chậm, tỷ lệ tiêm chủng gần thấp nhất khu vực, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, trở thành một nước có số lượng tiêm và tốc độ tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới.
Không chỉ thành công với ngoại giao vaccine, trong năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu rất lớn về ngoại giao, giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong cuộc đối thoại với BizLIVE mới đây, đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã nhìn lại toàn bộ thành tựu lớn nhất của đối ngoại Việt Nam trong năm 2021 vừa qua.
Đối ngoại của Việt Nam năm 2021 phải được đặt trong bối cảnh không chỉ Việt Nam mà khu vực và thế giới đang gặp vô cùng nhiều thách thức, đặc biệt đại dịch COVID-19 làm cho các nước phải ứng phó cấp bách nhất với tình hình dịch bệnh trong nước, đồng thời đại dịch cũng làm đứt quãng các hoạt động giao lưu quốc tế. Đây là điều rất khó khăn.
Để nhìn lại năm 2021, cần thấy thêm rằng, nửa đầu năm tâm dịch ở khu vực Đông Nam Á, chính vì vậy câu chuyện ứng phó với đại dịch COVID-19 vô cùng khó khăn. Với Việt Nam, chúng ta đã chuyển trạng thái phòng chống dịch một cách kịp thời và phù hợp, vì vậy tạo điều kiện cho quản trị dịch và hoạt động đối ngoại. Nếu nhìn lại trong những thách thức lớn như vậy, có cả thách thức về dịch, có cả thách thức về cạnh tranh nước lớn, cả những thách thức về an ninh phi truyền thống.
Có thể kể bốn điểm mà ngoại giao Việt Nam đã làm được trong năm qua.
Trước tiên phải kể đến chính là ngoại giao vaccine. Có lẽ đây là một điểm cực kỳ nổi bật trong năm 2021 của đối ngoại Việt Nam, cùng với sự chuyển hướng trong chiến lược ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngay khi Chính phủ có kế hoạch ứng phó với chiến lược vaccine thì ngoại giao Việt Nam, mà ngoại giao đây là những người làm ngoại giao và cả những cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng đã cùng tham gia vào rất quyết liệt.
Trên thực tế nguồn cung vaccine COVID-19 trên toàn cầu vô cùng khó khăn, chúng ta đã có đủ nguồn vaccine cho kế hoạch tiêm chủng của mình. Có thể coi đây là một kỳ tích. Có câu chuyện mình phải đặt vào trong bối cảnh là tất cả các nước đều cần vaccine để chống dịch, kể cả những nước sản xuất vaccine lớn của thế giới như Mỹ hay châu Âu đều cần. Chúng ta tranh thủ được nguồn cung vaccine bằng nhiều cách.
Rõ ràng không có sự triển khai quyết liệt về ngoại giao vaccine của cả các cấp lãnh đạo cao nhất, của những người làm về đối ngoại và của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta khó đạt được nguồn cung vaccine như vậy để có thể phục vụ kế hoạch tiêm chủng rộng rãi và quyết liệt.
Chúng ta đã vượt qua được thách thức để chủ động thích ứng với tình hình mới do đại dịch cũng như cạnh tranh nước lớn để nâng tầm vị thế của Việt Nam. Việt Nam không chỉ có vị thế trong ASEAN khi mà chúng ta tiếp tục đóng góp tích cực trong năm Chủ tịch ASEAN năm 2021, ở đây có cả đà của năm 2020.
Năm 2021 có ba điểm rất quan trọng, thứ nhất làm sao ứng phó được với đại dịch COVID-19; ngoài ra là khung phục hồi kinh tế; cuối cùng tăng cường quan hệ với các đối tác và tiếp tục xây dựng cộng đồng ASEAN không chỉ hướng đến năm 2025. Kết hợp với các nước khác, qua đó củng cố đoàn kết, cộng đồng ASEAN, vai trò của ASEAN và thực sự các đối tác vẫn vô cùng coi trọng ASEAN trong đó có đóng góp của Việt Nam.
Khi cục diện địa chiến lược đang chuyển dịch trọng tâm sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà trong đó Đông Nam Á – Thái Bình Dương rất quan trọng, các đoàn lớn của các nước dù trong tình hình dịch bệnh vô cùng khó khăn đều tìm đến Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam, không chỉ song phương mà còn cả đa phương.
Ví dụ điển hình có thể nói đến là Mỹ có rất nhiều đoàn vào, có cả đoàn Bộ trưởng Quốc phòng và Phó tổng thống trong chuyến đi đầu tiên của chính quyền mới của ông Joe Biden đều đã sang thăm Việt Nam; rồi các đoàn Bộ trưởng của Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore… Đồng thời phía Việt Nam cũng cử nhiều đoàn đi ra bên ngoài, trong đó có đoàn Chủ tịch nước đi Bắc Mỹ, Mỹ Latinh rồi Thủ tướng đi châu Âu, Nhật, COP; Chủ tịch Quốc hội đi châu Âu, đi Hàn Quốc, đi Ấn Độ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
Tất cả những yếu tố này cộng hưởng cả trong lẫn ngoài thành cả đoàn đến và đoàn đi, rõ ràng thế hiện vị thế và cái mới của Việt Nam trong đối ngoại. Nếu ta nhìn nhận những đánh giá mới của bạn bè quốc tế, họ đều cho rằng dù vẫn tiếp tục dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến của những hợp tác và đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam vẫn tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế, Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước, khu vực, đặc biệt khẳng định vai trò của ASEAN.
Điểm thứ hai này có thể tóm gọn trong một câu là vừa nâng tầm ngoại giao của Việt Nam nhưng đồng thời đưa quan hệ các đối tác, đặc biệt quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn đi vào chiều sâu, tạo ra cho môi trường về an ninh, hòa bình và phát triển rất thuận lợi cho sự phát triển mới của Việt Nam cho chủ trương xây dựng và phát triển đất nước. Ngay cả Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng rất coi trọng Việt Nam.
Điểm thứ ba, dù có nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn tích cực và chủ động hội thập với khu vực và quốc tế, đặc biệt hội nhập cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tham gia chuỗi cung ứng có chất lượng cao trong khu vực và trên thế giới. Ở đây có thể thấy rằng chúng ta tiếp tục đưa Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) với châu Âu đi vào có hiệu lực, cả châu Âu và Việt Nam đều đã tăng trưởng được rất nhiều kim ngạch thương mại.
Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Cuối cùng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng đã chính thức có hiệu lực. Tất cả những yếu tố này tạo ra không chỉ sự hội nhập đan xen và lợi ích của Việt Nam gia tăng.
Mặc dù có khó khăn như vậy nhưng tất cả các hoạt động hội nhập của Việt Nam và những thỏa thuận của Việt Nam vẫn tiếp tục mang lại hiệu quả cho Việt Nam và quá trình liên kết chung.
Điểm cuối cùng, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong đóng góp vào cộng đồng quốc tế nói chung. Ở đây muốn nhấn mạnh đến việc nâng tầm ngoại giao song phương, đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề quốc tế, đồng thời Việt Nam cũng tham gia vào định hình chuẩn mực ứng xử của thế giới và khu vực. Có thể kể đến việc chúng ta tiếp tục năm thứ 2 của vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với nhiều hoạt động nỗ lực của trong nước với Việt Nam và Liên hợp quốc.
Rồi phải kể đến câu chuyện mà Việt Nam tham gia vào những vấn đề toàn cầu, trong đó nổi bật là câu chuyện tiếp tục hợp tác ứng phó với đại dịch. Việt Nam không chỉ nhận sự hỗ trợ từ các nước mà còn đóng góp vào chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngoài ra, cần phải nói đến câu chuyện về biến đổi khí hậu. Việt Nam tham gia vào COP 26 ở Anh. Trước đó, vào đầu năm khi lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia vào hội nghị trực tuyến về biến đổi khí hậu, số lượng quốc gia tham gia không nhiều, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia được mời và chúng ta đã tham gia tích cực.
Trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, việc chúng ta tham gia ASEAN và những sáng kiến khác nhau trong khu vực mà chúng ta có tiếng nói rất quan trọng cả về hợp tác phát triển khu vực, về các vấn đề phức tạp của khu vực như Biển Đông hay Mekong. Chúng ta cũng nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo an ninh an toàn, câu chuyện kết hợp hợp tác với các nước nhưng bản thân các nước cũng cần phải có đảm bảo về an ninh nguồn nước của dòng sông chung, đảm bảo rằng quốc gia giữ vững sự bền vững của nước thượng nguồn.
Việt Nam tiếp tục cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UN) nhất là ở các nước Nam Phi. Đây là câu chuyện rất lớn. Khi chúng ta nâng tầm tham gia vào những hoạt động đa phương này, mọi chuyện có ý nghĩa rất lớn.
Khi chúng ta tham gia vào các tổ chức quốc tế và hoạt động ngoại giao đa phương chính là chúng ta thúc đẩy thế giới dựa trên trật tự, luật lệ, quan trọng nhất là luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc. Chúng ta tham gia dựa trên nguyên tắc công bằng bình đẳng dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. Thông qua những sự tham gia đó, chúng ta thúc đẩy chủ nghĩa đa phương mà chủ nghĩa đa phương tạo điều kiện cho các nước hợp tác với nhau nhiều nhất để ứng phó với vấn đề toàn cầu mà không riêng nước nào giải quyết được.
Khi chúng ta tham gia vào, chúng ta kết hợp thúc đẩy được quan hệ với các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương cấp khu vực và cấp quốc tế, thúc đẩy đan xen lợi ích đa phương. Chúng ta tham gia vào các chuẩn mực quốc tế, tổ chức khu vực thúc đẩy nên, vì thế thúc đẩy được vị thế của Việt Nam.
Quay trở lại 2021, dù có nhiều rất nhiều khó khăn, vừa có đại dịch, vừa có cạnh tranh nước lớn, chúng ta vượt qua thách thức, ứng xử rất phù hợp tạo ra điểm nhấn cho đối ngoại năm 2021. Trước tiên là ngoại giao vaccine mang đến bứt tốc cho tiêm chủng trong nước; thứ hai là mở rộng đưa quan hệ ngoại giao đi vào chiều sâu hơn nữa, từ đó tạo ra tâm thế mới cho quan hệ đối ngoại và góp phần làm cho môi trường hòa bình ổn định và hợp tác phát triển cho Việt Nam, khu vực và quốc tế; chúng ta tăng cường hội nhập, lợi ích đan xen; và cuối cùng là tham gia đa phương, thúc đẩy xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.