Chúng tôi có cuộc gặp với Đại sứ Pereric Högberg tại Bảo tàng Phụ nữ một ngày trước 20/10. Đại sứ quán Thuỵ Điển, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, đã tổ chức sự kiện WikiGap với mục tiêu cải thiện bình đẳng giới trên môi trường mạng.
Tại 50 quốc gia trên thế giới, WikiGap đã được thực hiện để cải thiện tính đại diện của phụ nữ trên Internet. Bởi lẽ, như ông Pereric dẫn ra, đang có sự mất cân đối lớn giữa nam và nữ dựa vào số lượng bài viết, thông tin được đăng tải. 90% các tác giả đang viết bài, cập nhật nội dung trên Wikipedia là nam giới cũng như số lượng bài viết về nam giới cao gấp 4 lần phụ nữ.
Đại sứ Pereric Högberg tại sự kiện WikiGap ngày 19/10
Các con số có thể bị xê lệch, nhưng bức tranh bất bình đẳng thì rõ ràng. Việc phát triển của mỗi quốc gia, nếu bỏ qua một nửa dân số, nửa nguồn lực - ở đây là phụ nữ, là một sự lãng phí rất lớn, Đại sứ Thuỵ Điển nhấn mạnh. Ông tin tưởng rằng để phát triển bền vững, phồn vinh, cần phải có cách nhìn nhận khác về nữ giới.
Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề bất bình đẳng giới đang diễn ra?
Nhiều bằng chứng đang cho thấy các quốc gia thịnh vượng là những nơi rất thành công trong việc “lôi kéo” sự tham gia của phụ nữ. Nếu chúng ta bỏ qua 50% chất xám thì là sự lãng phí lớn.
Tôi đã được gặp những người phụ nữ mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như hình ảnh của họ trên báo chí, trên mạng xã hội lại không thể hiện được tầm quan trọng đó.
Những người phụ nữ mạnh mẽ, có nhiều tác động mà ông bị ấn tượng có bao gồm phụ nữ Việt Nam?
Khi đọc lịch sử Việt Nam, nhìn lại quá khứ cách đây hàng nghìn năm, đã có những phụ nữ nổi bật một cách mạnh mẽ. Ví dụ như Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại quân xâm lược.
Trong thời điểm hiện nay, cũng có những “nữ tướng” khiến tôi cảm phục, họ nổi bật với những đóng góp quan trọng cho đất nước các bạn. Có thể kể đến như bà Thái Hương của TH True Milk, bà Thuỷ - Phó Chủ tịch VinGroup và là Chủ tịch của Vinfast... Hay đối với lĩnh vực chính trị, đó là bà Kim Ngân, nữ Chủ tịch Quốc hội.
Ngoài những vị trí trọng yếu trên, tôi nghĩ rằng vai trò của nữ giới tại các tổ chức doanh nghiệp nhỏ, những nhà khoa học, những nữ sinh xuất sắc cũng cần được nhắc đến. Phụ nữ cũng đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật với những cái tên như giảng viên âm nhạc Châu Anh hay hoạ sỹ Thắm Poong, người dân tộc thiểu số, được đánh giá rất cao.
Vậy hình ảnh nào thuộc về bất bình đẳng giới mà ông nhận thấy kể từ khi sống tại Việt Nam?
Rất khó cho tôi trong vai trò một người bên ngoài để đánh giá. Tôi chỉ có thể nói là đàn ông Việt Nam nên có sự chia sẻ, gánh vác công việc gia đình, đặc biệt là trách nhiệm nuôi dạy con cái khi các con đang dần bước đến tuổi trưởng thành.
Kinh nghiệm của đất nước Thuỵ Điển và bản thân tôi cho thấy đây là việc rất quan trọng. Khi các con tôi mới sinh ra, tôi đã nghỉ theo quy định trong 6 tháng để cùng vợ chăm sóc bọn trẻ. Sau đó, khi vợ tôi muốn quay trở lại công việc, tôi đã ở nhà trong vai trò “nội tướng”. Sự chia sẻ bình đẳng này rất tốt cho gia đình.
Thú thực tôi không tổ chức ăn mừng nhân ngày Quốc tế phụ nữ, vì mỗi ngày trong năm, đối với tôi đều là ngày lễ vì phụ nữ.
Một điều nữa tôi muốn nói thêm, hầu hết các chính trị gia tôi gặp ở Việt Nam hay ở nước tôi đều là nam giới. Từ cấp trung ương đến địa phương, là những người đàn ông trong bộ vest xám. Tôi mong rằng bức tranh này sẽ thay đổi, cần có thêm phụ nữ tham gia chính trường.
Việt Nam trong lần sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng nhận được một số đề xuất cho để đàn ông ở nhà chăm sóc con dưới 6 tháng tuổi, tương tự Thuỵ Điển. Dù vậy một số ý kiến cho rằng điều này sẽ gây ra một sự xáo trộn lớn. Khi áp dụng chính sách này năm 1974, Thuỵ Điển có gặp vấn đề gì không?
Khi chúng tôi triển khai quyền bình đẳng cho nam – nữ đã có một số chính sách diễn ra đồng thời.
Thứ nhất, Chính phủ giới thiệu các trung tâm chăm sóc trẻ. Nó tương tự các trường mầm non tại Việt Nam. Đây là môi trường hoàn toàn miễn phí, được thanh toán bởi ngân sách, giúp cho bố mẹ rảnh tay tham gia vào công tác xã hội, tìm kiếm thu nhập. Điều này khiến cho các ông bố, bà mẹ Thuỵ Điển được yên tâm.
Thứ hai, chúng tôi thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân. Thuế này trước đó được đánh theo các cặp vợ chồng, về sau được tách riêng ra. Nghĩa là thu nhập ai người đó trả thuế. Điều này đảm bảo tính công bằng, không có sự lẫn lộn và khuyến khích phụ nữ đi làm nhiều hơn vì có lợi về mặt tài chính.
Khi Chính phủ giới thiệu tổng thời gian nghỉ phép của cả bố và mẹ khi sinh con là 18 tháng thì không hề có sự phản đối trong xã hội. Lúc đó Thuỵ Điển đã tiến được một chặng đường dài bề bình đẳng giới rồi. Do vậy, hầu hết đảng phái chính trị đều bỏ phiếu thuận. Thậm chí, thời điểm hiện tại chúng tôi đang nghĩ thoả thuận có nên tăng tiếp thời gian nghỉ sau thai sản không, đặc biệt cho các ông bố.
Như đã chia sẻ, ông từng giữ vai “nội tướng” trong gia đình, nó tạo cho ông những trải nghiệm gì?
Tôi có 2 người con, con gái 17 tuổi và con trai 14 tuổi. Khi con gái được 8 tháng tuổi, tôi đã giành thời gian 8 tháng, là 8 tháng liên tục chăm sóc con, cho đến khi cháu được 16 tháng tuổi. Điều này đã khiến cho tôi và con gái có một mối quan hệ hết sức đặc biệt. Đó là sự gần gũi thấu hiểu. Gần như con gái là bản sao của tôi.
Con trai, khi cháu được 5 tuổi tôi cũng ở nhà cùng cháu thời gian dài. Khi đó, gia đình tôi chuyển lên phía Bắc của Thuỵ Điển. Hàng ngày, chúng tôi cùng nhau chơi đùa mà tôi không bao giờ phải nhìn đồng hồ, tôi cũng không phải nhìn điện thoại xem có công việc gì không. Tôi đã cho các con nhìn thấy một khía cạnh khác của ông bố - vui vẻ và không lo lắng công việc. Tôi là một ông bố dành toàn tâm, toàn lực với con gái. Đấy là điều rất tốt cho mối quan hệ giữa cha và con.
Mối quan hệ với người bạn đời cũng rất thú vị. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện với nhau những câu chuyện về con cái, do trải nghiệm của từng người rất khác. Cuộc sống nhờ vậy được chia sẻ nhiều hơn.
Đại sứ và phu nhân thăm Bát Tràng
Khi ông nhận nhiệm vụ ở Việt Nam, vợ ông cảm nhận như thế nào? Liệu hành trình đến một quốc gia xa lạ có ảnh hưởng đến sự nghiệp của phu nhân Đại sứ?
Vợ tôi rất ủng hộ công việc của tôi. Khi sang Việt Nam, cô ấy không chỉ đảm nhận vai trò phu nhân Đại sứ, tức là đứng bên cạnh tôi. Bản thân cô ấy cũng có công việc riêng. Cô ấy là một nghệ sĩ, cụ thể hơn là một nhạc trưởng. Cô ấy hướng dẫn người ta ca hát, dạy nhạc.
Bên cạnh đó, với vai trò tình nguyện viên về âm nhạc, vợ tôi giúp Học viện Âm nhạc Quốc gia ở Hà Nội, Hồ Chí Minh và tham gia các buổi biểu diễn.
Ở Việt Nam chúng tôi thường có câu: “Đằng sau người đàn ông thành công là bóng hình người phụ nữ”, ông nghĩ sau về điều này?
Đối với tôi điều đó là đúng, nhưng đúng với người đã sinh ra tôi, (cười).
Trong bối cảnh hiện đại, tôi muốn đổi lại câu này. Nghĩa là sau mỗi thành công của con người, không cứ là đàn ông, luôn có sự ủng hộ của 1 người hoặc một nhóm người. Đừng phân biệt nam hay nữ ở đây.
Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có nhu cầu cá nhân được khẳng định, quan trọng là có sự ủng hộ tương hỗ lẫn nhau. Đàn ông ủng hộ phụ nữ và ngược lại. Đó mới là bình đẳng giới một cách bền vững.
Cảm ơn ông!