Kinh doanh liên tục sa sút, đã tính đến phương án huỷ niêm yết tự nguyện song bị cổ đông nhỏ lẻ phủ quyết, thay đổi vị trí chủ chốt, giao dịch cổ phiếu thời gian gần đây liên tục biến động, một cá nhân vừa bị phát hiện dùng 5 tài khoản thao túng giá cổ phiếu Đại Thiên Lộc.
Chi tiết, căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ngày 27/4/2020 UBCKNN ban hành Quyết định số 282/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thanh Loan (Địa chỉ: 23/28 đường D2 Cư xá Văn Thánh Bắc, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp.HCM).
Cụ thể, quyết định phạt tiền 550 triệu đồng với bà Nguyễn Thanh Loan, hành vi sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của CTCP Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL).
Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thanh Loan. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2020.
Được biết, bà Nguyễn Thanh Loan là con gái của Chủ tịch Nguyễn Thanh Nghĩa, từng nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc Công ty tuy nhiên đã từ nhiệm. Theo đó ông Nghĩa (bố) thay thế kiêm nhiệm 2 chức vụ từ tháng 7/2019.
Hiện, vợ ông Nghĩa là bà Nguyễn Thị Bích Liên cũng đang nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty. Tổng sở hữu của gia đình Chủ tịch theo báo cáo quản trị gần nhất (14/5/2019) khoảng 76% vốn. Cùng với đó, một pháp nhân liên quan là Công ty TNHH Sản xuất Thép Tâm Đức đang sở hữu gần 20% vốn (hiện vợ con là bà Liên và bà Loan đóng vai trò thành viên góp vốn).
Đáng chú ý, sự việc diễn ra giữa bối cảnh thị giá DTL đang có đợt hồi từ đáy, cổ đông nội bộ liên tục mua vào bán ra cổ phiếu. Trong đó, con gái khác là bà Nguyễn Thanh Trúc cũng liên tiếp động thái đăng ký mua vào số lượng lớn cổ phiếu thời gian gần đây, bao gồm:
(1) Mới nhất bà Trúc báo cáo mua bất thành 2,2 triệu cổ phiếu do thị trường không thuận lợi.
(2) Trước đó ngày 17/3, bà Trúc đăng ký mua thêm 2,2 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,39% lên 4,02% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty.
(3) Từ 17/2-16/3, bà Trúc đã mua thành công 235.000 đơn vị trên tổng số đăng ký là 2,5 triệu cổ phiếu do tình hình thị trường không thuận lợi.
Song song, Thép Tâm Đức cũng liên tục mua vào bán ra. Trong đó, Công ty này vừa đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu Công ty, sau khi đăng ký bán ra 1 triệu bất thành. Trước đó ngày 19/3, Thép Tâm Đức cũng vừa thông báo mua thành công 958.790 cổ phiếu trên con số 1 triệu đơn vị đăng ký mua vào.
Hiện, Thép Tâm Đức đang là cổ đông lớn thứ 2 tại DTL với tỷ lệ nắm giữ 19,81% vốn. Nếu giao dịch thành công, Thép Tâm Đức sẽ tăng tỷ lệ lên 20,63% vốn.
Về DTL, Công ty cuối năm 2019 đã trình cổ đông phương án huỷ niêm yết tự nguyện trên HoSE, mặc dù đạt được tỷ lệ đồng ý 89,75% trên tổng số cổ phần đang lưu hành. Song phía cổ đông không phải cổ đông lớn đồng loạt từ chối (tỷ lệ phủ quyết hơn 99% tổng số cổ phần đang lưu hành không phải cổ đông lớn) nên DTL không thể thông qua việc huỷ niêm yết bắt tự nguyện.
DTL hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lá mạ kẽm (tôn kẽm), thép lá mạ màu (tôn màu), mạ hợp kim nhôm – kẽm (tôn lạnh), thép lá cán nguội, thép ống/hộp… Ghi nhận tại BCTC kiểm toán 2018, Đại Thiên Lộc thua lỗ hơn 17 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ theo Công ty do năm 2018 với sự biến động lớn về giá ngành sắt thép nói chung và ngành tôn nói riêng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động.
Sang năm 2019, ban lãnh đạo dự kiến doanh thu 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 38 tỷ đồng. Song, tình hình kinh doanh thực tế tiếp tục bê bết với mức lỗ ròng 2019 lên đến 140 tỷ đồng. Giải trình, ban lãnh đạo cho hay do chi phí sản xuất tăng cao khi giá bán lại không tăng nhiều khiến Công ty tiếp đà thua lỗ nặng nề.
Với tình trạng trên, cổ phiếu DTL vừa bị đưa vào diện kiểm soát từ 27/4/2020 do LNST công ty mẹ năm 2018, 2019 âm. Mới đây, HĐQT đã thông qua việc chuyển nhượng 830m2 đất đô thị tại Hậu Giang với giá 2,7 tỷ (đã bao gồm VAT).