Giàu lên nhờ vải
Gần 10 năm trước, ông Nguyễn Văn Bình (thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) về quê Lục Ngạn, Bắc Giang, mua 100 cây giống vải U Hồng về trồng thử nghiệm trên rẫy. Thấy cây tươi tốt, cho ra nhiều quả, ông Bình đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi toàn bộ 5ha cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng vải. Vụ vải năm nay, mỗi ha vải của ông Bình cho từ 18 - 20 tấn trái. "Với giá bán hiện tại, trừ hết chi phí tôi lãi được khoảng 1,8 tỷ từ vườn vải"- ông Bình vui mừng cho biết.
Nông dân Đăk Lăk chuẩn bị xuất bán sản phẩm vải Lục Ngạn. Ảnh: Duy Hậu
"Mỗi ngày doanh nghiệp thu mua khoảng 10 tấn vải xuất bán cho hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Vải Đăk Lăk được khách hàng đánh giá có hình thức bắt mắt với quả to đều, ăn có vị ngọt thanh, thơm mát và giàu vitamin C". Bà Nguyễn Thị Xuân Hương |
Ông Bình nói thêm, để cây vải đạt hiệu quả, gia đình ông đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc cây, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh. Đặc biệt người trồng phải cho quả chín sớm, tránh trùng với chính vụ tại quê nhà Bắc Giang mới được giá.
Sau nhiều lần thử nghiệm, ông đã áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, dùng dây kẽm thắt thân để cây ra hoa sớm, bón thúc phân chuồng để quả chín nhanh và đã thành công. "Thời tiết, thổ nhưỡng ở đây rất hợp với cây vải U Hồng. Muốn cây ra hoa sớm thì chúng tôi phải can thiệp để vải ra sớm, chín sớm. Cây vải ở đây rất dễ trồng, một năm chỉ bỏ phân hai lần là được"- ông Bình chia sẻ thêm.
Cũng ở xã Ea Sar, những năm gần đây bà Hoàng Thị Ký đã giàu lên nhờ trồng vải thiều. Bà Ký cho biết, thấy ông Bình trồng vải cho thu nhập cao, 6 năm trước gia đình cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng loại cây này. Ban đầu vợ chồng bà chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc. Khi thấy cây phát triển xanh tốt, hợp với đất đai thổ nhưỡng trong vùng nên mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi toàn bộ 2ha điều, mía, sắn... kém hiệu quả sang trồng hơn 500 cây vải. Đến nay, vườn vải cho thu đều đặn 650-700 triệu đồng/năm nhờ bán quả và cành giống.
Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Đăk Lăk có gần 1.200ha vải đang trong thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Drak, Buôn Đôn và Krông Ana. Sản lượng quả hàng năm ước đạt 200.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu nội địa gồm các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đánh giá, chất lượng vải ở Tây Nguyên khá tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc Công ty CP Sản xuất dịch vụ Hương Cao Nguyên, đơn vị chuyên thu mua các loại trái cây ở Đăk Lăk - cho biết: "Mỗi ngày doanh nghiệp thu mua khoảng 10 tấn vải xuất bán cho hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Vải Đăk Lăk được khách hàng đánh giá có hình thức bắt mắt với quả to đều, ăn có vị ngọt thanh, thơm mát và giàu vitamin C".
Cũng theo bà Hương, do chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa nên hiệu quả kinh tế của vải Đăk Lăk chưa xứng tầm với giá trị của nó. Nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường thì cây vải Đăk Lăk sẽ có giá trị cao hơn nhiều.
Trao đổi với chúng tôi về ý kiến này, ông Hồ Tấn Cư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết, để phát triển cây vải ổn định và bền vững tại các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih và Ea Đa, đơn vị đã và đang hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có hàng trăm hộ đăng ký tham gia với diện tích lên tới trên 100ha.
"Chúng tôi tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện việc đóng gói sản phẩm, xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, trích dẫn nguồn gốc xuất xứ, chế biến sản phẩm vải khô sấy... để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực này" - ông Cư nói.