Cầm nửa tỷ đồng trong tay vẫn... đỏ mắt tìm đất
Thông tin bán đất nhan nhãn tại xã Cư Suê, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) |
Trong thời gian này tại TP Buôn Ma Thuột, cơn sốt đất vẫn đang diễn ra rầm rộ và không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn lan ra các khu vực ngoại thành. Cơn sốt đất cũng đã tạo ra nhiều hệ lụy đáng kể cho một số thành phần lao động có thu nhập thấp và câu chuyện mua nhà để ở là cả một vấn đề lớn đối với những người dân này.
Anh Trần Văn Phát - một người làm nghề tự do cho biết, với số tiền khoảng 600 triệu đồng trong tay, anh đi lùng cả tháng nay để mua một miếng đất làm nhà nhưng vẫn chưa tìm được và nếu có thì cũng là những miếng đất ở rất xa nơi TP Buôn Ma Thuột, chưa có ai ở, cơ sở hạ tầng đang rất kém, ảnh hưởng tới công việc làm ăn của mình.
“Từ ngày tôi rời huyện Lắk lên TP Buôn Ma Thuột làm ăn tích cóp được 600 triệu đồng với mong muốn mua được căn nhà để định cư tại đây, tuy nhiên hiện tại giá đất quá đắt nên với số tiền này tôi vẫn chưa tìm mua được mảnh đất nào phù hợp. Có lẽ tôi phải chấp nhận ở nhà trọ thêm thời gian nữa”, anh Phát chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Bắc – một người môi giới nhà đất ở TP cho hay, thời gian qua, giá đất tại TP Buôn Ma Thuột tăng rất nhanh.
Theo anh Bắc, hiện nay, nếu cầm số tiền khoảng 500 triệu đồng đi mua đất cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 10 km thì rất là khó, với số tiền này thì phải đi rất xa trung tâm may ra mới tìm được và nếu có thì cũng phải ở trong buôn, làng heo hút.
"Cách đây chừng 2 năm nếu có 500 triệu đồng thì vẫn có thể mua được một miếng đất khoảng 100m2 ở gần trung tâm TP Buôn Ma Thuột, nhưng hiện nay với số tiền này thì không thể tìm đâu được miếng đất như vậy để mua, thậm chí ra ngoài thành phố cả chục km cũng khó mua nên việc nhiều người cầm nửa tỷ đồng trong tay không thể mua đất làm nhà vào thời điểm này là có cơ sở", anh Bắc cho hay.
Khảo sát của PV cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, hiện nay những khu vực nội và ngoại thành Buôn Ma Thuột đất tăng giá gấp đôi. Theo đó, mỗi mét đất thổ cư, có đường ô tô tránh nhau, khu đông dân cư phải từ vài trăm triệu đồng trở lên; còn đất nông nghiệp mỗi lô 10m2 ngang cũng có giá từ 1,2 tỉ đồng trở lên. Đối với khu gần trung tâm thành phố, dù trong hẻm nhỏ, không có đường ô tô nhưng mỗi lô đất có diện tích khoảng hơn 100 m2 có giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Địa phương khó quản lý
Đóng cọc phân lô tại xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút (Đắk Nông). |
Theo tìm hiểu của PV Infonet, thời điểm này, cơn sốt đất không chỉ diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột mà còn lan ra các khu vực khác cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột hàng chục km như thị xã Buôn Hồ, huyện Cư Kuin, huyện Buôn Đôn, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) và thậm chí còn lan sang cả huyện Cư Jút (Đắk Nông) cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 30km.
Cụ thể tại xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút cách đây khoảng nửa năm, giá đất mặt đường Hồ Chí Minh chỉ rơi vào khoảng 60 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại đã lên đến trên 200 triệu đồng/m2.
Ông Trần Đình Nam – Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn cho biết, cơn sốt đất tại địa phương này bắt đầu diễn ra cách đây khoảng 6 tháng và hiện vẫn chưa hạ nhiệt khiến địa phương rất vất vả trong quá trình quản lý đất đai, đặc biệt là tình trạng san đồi, gạt núi lấy mặt bằng để xẻ lô bán.
Theo ông Nam, hiện người dân trong xã đã bán đi rất nhiều nương rẫy, thậm chí là đất mặt tiền ở các trục đường lớn tạo ra một cơn sốt đất chưa từng có và những người mua đất chủ yếu đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Buôn Ma Thuột.
"Năm ngoái giá đất mặt đường chỉ 60 triệu đồng/m2 nhưng, thời điểm này trên tuyến Quốc lộ 14 đã tăng lên tới 200 triệu đồng/m2”, ông Nam cho hay.
Còn ông Đặng Văn Hoan – Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) chia sẻ, đất tại địa phương này đang tăng giá. Người dân thấy giá tăng nên đã bán khá nhiều, dù không ảnh hưởng tới việc sản xuất nhưng cũng gây ra khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương.
“Hiện nay người bán đất và mua đất diễn ra rất nhiều tại địa phương, tuy nhiên theo tôi thì số người đến mua đất làm nhà rất, ít chỉ có chưa đến 1% nên việc kiểm soát những người này là cả một vấn đề đối với xã Cư Suê vì khi có việc cần gặp họ không thể gặp được”, ông Hoan cho hay.