Một điều đáng ghi nhận là khi những giống cây trồng được ngành Nông nghiệp địa phương đưa vào trồng khảo nghiệm, có kết quả đánh giá và sau đó nhân rộng thì hầu hết đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Còn những loại cây trồng do người dân tự mua trôi nổi khi đưa vào sản xuất đa số gặp rủi ro, thất bại nặng nề.
Vườn sachi của người dân ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) trồng nhưng bỏ bê không thu hoạch vì giá rẻ (ảnh chụp tháng 7/2019). Ảnh: Thanh Nga.
Có thể lấy ví dụ về cây sachi, loại cây được ví là “vua của các loại hạt”. Sachi được thị trường một số nước, khu vực trên thế giới ưa chuộng và ở tỉnh Đắk Nông người dân cũng bắt đầu đổ xô trồng loại cây này. Nắm bắt được như cầu của nông dân, nhiều cá nhân, tổ chức đã ươm giống sachi với số lượng lớn rồi quảng bá bằng nhiều chiêu thức để nông dân mua về trồng.
Bà Trần Thị Liên, ở xã Quảng Sơn (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), có hơn 1,5 ha tiêu đã bị nhiễm bệnh cần chuyển đổi sang loại cây khác. Bà Liên được một tổ chức ở Đắk Song tư vấn trồng cây sachi. Theo đó, bà được quảng cáo rằng, sachi có đặc tính là cây thân leo, nên trồng dưới các trụ tiêu thì rất tiện lợi. Hơn nữa, chỉ sau 6 tháng, cây sachi sẽ cho thu hoạch và giá bán từ 80.000 – 120.000 đồng/kg.
Tin tưởng lời quảng cáo, bà Liên đã mua giống sachi về trồng. Mỗi bầu giống sachi mua với giá 45.000 đồng. Sau một thời gian, cây sachi cho thu hoạch. Thế nhưng, lúc này không có nơi nào thu mua sachi. Gia đình bà Liên đành để trái sachi rụng đen gốc.
Không riêng gì bà Liên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục ha sachi được người dân phá bỏ. Nguyên một phần là sachi không tiêu thụ được hoặc không cho trái. Phần lớn người trồng sachi đều "chạy theo" phong trào, tin vào sự thổi phồng giá trị của các cá nhân, tổ chức bán cây giống. |
Theo các chuyên gia, cây đàn hương là loại cây mới di thực từ Ấn Độ về Việt Nam, đang ở giai đoạn trồng thử nghiệm, nên giá trị thực của nó chưa được xác định rõ, hiệu quả kinh tế cây trồng chưa có cơ sở.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính thích hợp của cây đàn hương đối với Đắk Nông. Do đó, nông dân cũng nên cân nhắc kỹ và theo dõi sát những khuyến cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh trước khi đầu tư mở rộng diện tích đối với các loại cây giống mới xuất hiện trong mỗi mùa vụ.
Hiện nay, tại một số huyện như Đắk Song, Chư Jút, Krông Nô… một số đơn vị ươm giống đang rầm rộ quảng bá cây đàn hương và có không ít hộ nông dân đang muốn trồng trong mùa vụ mới.
Đặc biệt, các thông tin quảng cáo cây đàn hương được các cơ sở ươm giống “tung hỏa mù” trên các trang mạng xã hội để hấp dẫn người dân. Giá giống cây đàn hương hiện nay cũng không rẻ chút nào, với trên 80.000 đồng/cây.
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã phải ngậm ngùi, thất bại nặng nề vì theo đuổi các giống cây mới. Nhiều cây trồng mới được bà con sử dụng để sản xuất như thảo dược, cây ăn trái, cây thực phẩm… nhưng rồi không đạt kết quả hoặc khi làm ra sản phẩm nhưng không tiêu thụ được.
Nguyên nhân là do nguồn giống mà nông dân mua trên thị trường không có xuất xứ rõ ràng, không có gì bảo đảm về chất lượng. Vì thế, khi đưa vào sản xuất, bà con dù tốn nhiều chi phí, công sức, thời gian, nhưng hiệu quả lại thấp. Do đó, khi chuyển đổi cây trồng, bà con cần phải thận trọng để lựa chọn những loại cây phù hợp. Tuyệt đối không nên chạy theo phong trào mà bỏ qua các khuyến cáo của cơ quan chức năng trong việc sản xuất, lựa chọn các loại cây trồng chưa được khảo nghiệm, chưa có đánh giá về chất lượng, đầu ra... |