Theo các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Chư Jút, đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái đã khiến bà con thiệt hại rất nặng nề. Dịch chủ yếu tấn công hầu hết các đàn lợn nái, nên khi hết dịch, trên địa bàn không còn cơ sở nào cung cấp lợn giống cho bà con.
Do đó, dù hiện nay các hộ nuôi lợn sẵn sàng mua lợn giống với giá cao, nhưng vẫn không có nguồn cung cấp.
Công suất chuồng nuôi lên tới 30 con, nhưng ông Hà Văn Hạnh ở thôn 5, xã Cư K’nia (Cư Jút) chỉ mua được 4 con lợn giống.
Là người có nhiều năm trong nghề chăn nuôi lợn, ông Cao Xuân Giao, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), cũng giống như hàng chục hộ dân khác trên địa bàn đều bỏ chuồng trống.
Nguyên nhân là vì ông không mua được lợn giống để tái đàn. Hiện tại, gia đình ông đã thực hiện tiêu độc, sát trùng chuồng trại để chờ con giống về là nuôi. Thời gian qua, ông đã đi nhiều nơi, nhờ người mua giúp, nhưng không nơi đâu có giống lợn con để bán.
Ông Giao cho biết: “Hiện lợn giống không có để tái đàn. Gia đình tôi trước đây lúc nào trong chuồng cũng có trên 30 con lợn vừa nái, vừa lợn thịt. Bây giờ một con cũng không có”.
Còn tại xã Cư K’nia, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đều bế tắc trong việc tìm nguồn lợn giống về nuôi. Gia đình ông Hà Văn Hạnh, ở thôn 5, xã Cư K’nia, hiện có hệ thống chuồng nuôi trên 60 con lợn thịt và lợn nái. Tuy nhiên, cả tháng nay, ông đi nhiều nơi hỏi mua lợn giống, nhưng chỉ mua 4 con lợn con.
Mấy ngày qua, trên địa bàn khi nghe nơi nào nhập được lợn giống về thì người dân đến tranh nhau mua. Giá lợn giống cũng vì vậy mà tăng vọt.
Ông Hạnh mua được một con lợn giống khoảng 10 kg, với giá 2,2 triệu đồng, cao hơn trước đây rất nhiều. Đó là giống lợn thịt, còn giống lợn sinh sản càng cao hơn, với giá từ 3,5 – 4 triệu đồng/1 con.
Không tìm ra lợn giống, gia đình ông Hà Văn Hạnh ở thôn 5, xã Chư K’nia (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn bỏ trống chuồng.
Theo ông Lê Lương Kế, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, để giúp người dân cải tạo chuồng trại, tái đàn lợn, xã cũng đã triển khai các giải pháp cần thiết, phù hợp với điều kiện của địa phương. Thế nhưng, thời gian qua, do thiếu lợn giống, nên hầu hết bà con vẫn chưa thế tái đàn, phát triển đàn lợn được.
Hiện trên địa bàn xã có một công ty chăn nuôi lợn quy mô lớn, nhưng lại không sản xuất lợn giống để cung cấp cho người dân. Còn đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi lợn thì chỉ bảo đảm lợn giống theo kiểu tự cung tự cấp chứ không có bán ra ngoài. Do đó, hiện nay bà con rất khó khăn trong việc tìm nguồn lợn giống để chăn nuôi.
"Trong thời gian tới, UBND xã sẽ liên hệ với các ngành chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút làm để tìm nguồn lợn giống cho người dân tái đàn", ông Kế cho biết.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), trên địa bàn đang xảy ra thực trạng thiếu lợn giống để cung cấp cho gia đình, hộ chăn nuôi. Nguyên nhân chủ yếu là do đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã triệt xóa hết đàn lợn nái, nên người dân chưa thể sản xuất lợn giống kịp thời để cung cấp cho thị trường.
Trong khi trên địa bàn huyện Cư Jút cũng chưa có cơ sở nào chuyên sản xuất, cung cấp lợn giống. Do đó, người dân hiện nay đang gặp khó khăn để tái đàn, phát triển nuôi lợn. Để giải quyết vấn đề này, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiến hành rà soát, sớm có tham mưu, đề xuất với các cấp để có hướng giải quyết, hỗ trợ người dân về nguồn lợn giống.
Ngoài ra, ông Sơn cũng lưu ý, khi thực hiện tái đàn, chăn nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay, người dân đặc biệt quan tâm đến chất lượng giống. Bà con không nên vì khan hiếm con giống mà mua lợn giống trôi nổi trên thị trường, vì không được kiểm soát về dịch bệnh. Quá trình nuôi lợn, bà con phải bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học, chủ động ngăn ngừa dịch. |