Qua thời gian hoạt động "3 tại chỗ", dù phải chi nhiều đợt hỗ trợ cho người lao động, Công ty Cơ khí Tân Thanh vẫn có kế hoạch tài chính đảm bảo 100% lương và thưởng Tết cho người lao động dịp Tết năm nay.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, người lao động có sự chia sẻ nhiều hơn, chưa kỳ vọng đến thưởng Tết, chỉ mong đảm bảo công việc và tiền lương mỗi tháng. Vì vậy, việc doanh nghiệp vẫn đảm bảo chế độ thưởng Tết là nguồn khích lệ rất lớn.
"Xưa nay, dù khó khăn, công ty vẫn lo đầy đủ, nhất là trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua. Quan trọng là anh em cùng đồng hành, chung sức để chiến thắng đại dịch và những khó khăn", anh Nguyễn Văn Khang, Công ty TNHH Hiệp Phát, cho biết.
Nhiều công ty tại TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo lương và thưởng Tết cho người lao động dịp Tết năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Sắp tới, nếu thưởng Tết không có thì anh em chúng tôi cũng hiểu được vì mình nghĩ quan trọng nhất lúc này là sự san sẻ, giảm bớt gánh nặng, hiểu cho công ty để công ty nhanh chóng hồi phục, quay về guồng làm việc như trước", anh Trần Hồng Lâm, Công ty cơ khí Duy Khanh, chia sẻ.
Đối với nhiều doanh nghiệp, dịch COVID-19 vốn đã làm xáo trộn nguồn nhân lực, vì vậy việc đảm bảo các chế độ cho người lao động là cần thiết để sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng đơn hàng trong năm sau.
"Một trong những giải pháp giữ vững nguồn lực là phải có chế độ đối đãi với người lao động một cách tốt nhất. Một số doanh nghiệp tăng, có doanh nghiệp giảm, nhưng tính mức bình quân là giữ vững truyền thống, ổn định tâm lý người lao động, chuẩn bị hành trình cho năm mới phát triển", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và cụ thể là người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cùng hỗ trợ với doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, 8 triệu lao động sẽ được chăm lo Tết từ nguồn kinh phí công đoàn.