Không xảy ra ở diện rộng
Trong khi dịch cúm do virus Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở tỉnh Hồ Nam và Việt Nam bắt đầu xuất hiện những ổ dịch cúm A/H5N6 khiến nhiều người lo ngại. Thứ trưởng có thể cho biết tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay ra sao?
- Trước hết, phải khẳng định, bệnh cúm gia cầm (CGC) là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; các ổ dịch xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine.
Chúng ta đã có chương trình quốc gia về phòng chống bệnh cúm gia cầm, việc giám sát lưu hành virus được làm chặt chẽ, thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ, do vậy, đây không phải là việc quá đột xuất.
Cúm H5N6 vừa xuất hiện ở một số địa phương cũng không phải chủng virus mới mà đã được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hàng năm, chủng virrus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời; đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.
Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, phạm vi có dịch CGC (cấp xã) trung bình hằng năm giảm rõ rệt (trung bình giảm khoảng 3 lần) so với giai đoạn trước năm 2014; số gia cầm buộc phải tiêu hủy vì bệnh CGC cũng giảm trung bình khoảng 4 lần, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh trong những năm qua, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; từ tháng 2/2014 đến nay, cả nước không có người bị bệnh, chết vì CGC.
Phun hóa chất khử trùng nhằm ngăn ngừa dịch lây lan phát sinh tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
(ảnh: Nguyễn Kiểm)
Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức xây dựng thành công các vùng, cơ sở và chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh đối với bệnh CGC và hiện nay đang tập trung đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng vùng, cơ sở và các chuỗi chăn nuôi gia cầm chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng yêu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đến nay đã có 821 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm đạt an toàn dịch bệnh, bao gồm: 12 vùng cấp huyện (cả huyện đạt an toàn dịch bệnh) và 809 cơ sở, chuỗi an toàn dịch bệnh.
Theo thống kê của Cục Thú y, hiện nay cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là 55.071 con. Trong ngày 16/2, có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh tại tỉnh Thanh Hóa và 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Trà Vinh.
Với điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, trong khi việc tổ chức tiêm vaccine CGC cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ nên nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Do đó, các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo vệ đàn gia cầm 467 triệu con và đang trên đà tăng trưởng.
Phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch
Theo thống kê của Cục Thú y, hiện cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là 55.071 con. |
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về việc giám sát bệnh cúm gia cầm và các bệnh động vật khác hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch cúm do virus Covid -19 cũng được cho là xuất phát từ động vật hoang dã?
- Năm 2004, dịch cúm gia cầm đã khiến 4,5 triệu con gia cầm buộc phải tiêu hủy, nông dân thiệt hại nặng nề. Trong thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt, tập trung các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Từ đó đến nay, dịch bệnh này đã từng bước được kiểm soát.
Tổng kết những năm đầu thế kỷ 21, có đến 75% số bệnh trên người đều có nguồn gốc từ động vật, là nguy cơ tiềm ẩn tác động đến sức khỏe con người và sự an toàn của cộng đồng.
Trong điều kiện các chủng cúm gia cầm đang xuất hiện ở nhiều địa phương, cộng với sự xuất hiện của Covid - 19, hiện 8 phòng thí nghiệm của Bộ NNPTNT, các đơn vị chức năng phải trực 24/24 giờ để kiểm chứng, xét nghiệm, giám sát sự lưu hành của virus để có những đánh giá sát thực, từ đó tham mưu cho ngành chức năng có chỉ đạo phù hợp.
Thứ trưởng có lưu ý gì với các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc phòng chống dịch cũng như phát triển đàn gia súc gia cầm trong thời điểm dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp hiện nay?
- Để chủ động phòng, chống dịch bệnh CGC kịp thời và có hiệu quả, trong thời gian tới các Bộ, ngành và UBND các cấp cần tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo dịch bệnh kịp thời.
Trong bối cảnh lực lượng thú y đang bị phân tán do chủ trương sát nhập, đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus CGC, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, cũng phải tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.
Với tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm như hiện nay, liệu chúng ta có đáp ứng đủ nhu cầu vaccine không, thưa Thứ trưởng?
Hiện, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động sản xuất được nhiều loại vắc xin phòng bệnh quan trọng nên không lo thiếu vắc xin cho đàn gia cầm.
Năm 2019, cả nước đã sử dụng trên 400 triệuliều vaccine CGC tiêm phòng cho đàn gia cầm; trong đó vaccine sản xuất trong nước gần 200 triệu liều; đặc biệt trong tháng 12/2019 các địa phương đã sử dụng trên 50 triệu liều vaccine.
Trong quý I/2020, lượng vaccine CGC trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vaccine CGC sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vaccine sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều.
Tháng 12/2019, Bộ NNPTNT đã xuất cấp miễn phí 4,5 triệu liều vaccine CGC dự phòng hỗ trợ các địa phương nguy cơ cao, địa phương xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh để tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Để chủ động nguồn vaccine, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: CGC Navet-Vifluvac (sản xuất từ năm 2012) và Navet-Fluvac 2 (sản xuất từ năm 2019) của Công ty Navetco; hiện đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất vaccine CGC.
Tôi khẳng định sẽ không thiếu vaccine, nếu thiếu sẽ cho nhập ngay để đảm bảo đủ nhu cầu.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!