Quý 1/2018 thực hiện 40% chỉ tiêu lãi ròng, đạt 259,5 tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới đây, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) sẽ trình kế hoạch kinh doanh với sản lượng đạm tiêu thụ đạt 751.000 tấn, dự kiến mang về 5.496 tỷ đồng tổng doanh thu. Tương ứng lợi nhuận trước thuế 685 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 650 tỷ đồng, tăng trưởng so với thực hiện năm 2017.
Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, Đạm Cà Mau cho biết sẽ triển khai dự án nhà máy sản xuất phân bón phức hợp NPK công suất 300.000 tấn/năm cũng như dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm. Ngoài ra cũng tập trung củng cố các nguồn lực kinh doanh để đảm bảo giữ vững thị phần tại các thị trường trọng điểm.
Riêng về nhà máy sản xuất NPK từ công nghệ ure nóng chảy, dự án được khởi công từ quý 2/2017, dự kiến đi vào vận hành vào cuối quý 2/2019. Dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường phân bón NPK chất lượng cao trong nước đang rất lớn, khoảng 4 hơn triệu tấn/năm; hiện Công ty đang tập trung phát triển thị trường để tiêu thụ sản phẩm sau khi dự án đi vào sản xuất.
Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp NPK công suất 300.000 tấn/năm.
Kết thúc quý 1/2018, Đạm Cà Mau ghi nhận 1.315 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế tương ứng 259,5 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 457 đồng. So với kế hoạch, 3 tháng đầu năm Công ty đã thực hiện được gần 40% chi tiêu lãi ròng cả năm.
Theo chia sẻ từ Công ty, kết quả của quý 1/2018 vừa qua đến từ việc nhà máy Đạm Cà Mau vận hành tối ưu với hiệu suất 108% công suất, thị phần duy trì ổn định, từ đó Công ty tiêu thụ được sản phẩm, giúp duy trì doanh thu tăng trưởng trên 10%.
Hưởng lợi từ đà tăng giá than và giá dầu
Đó là nội lực, ngoại lực với bối cảnh giá dầu liên tục vượt đỉnh và dự kiến duy trì đà tăng trong năm 2018 cũng kỳ vọng hỗ trợ cho Đạm Cà Mau thời gian tới.
Cụ thể, dự báo cho giai đoạn 2017-2020, Trung tâm nghiên cứu Fertecon ước giá than anthracite ở Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5%/năm do hai yếu tố chính:
(1) Thứ nhất, sản lượng than đá ở Trung Quốc bị ảnh hưởng trước những nỗ lực cắt giảm sản lượng để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
(2) Thứ hai, nhu cầu tiêu thụ than anthracite dự báo tăng lên bởi đây là loại than sạch, các nhà máy nhiệt điện/phân bón sử dụng than chất lượng kém trước đây sẽ dần chuyển sang sử dụng than anthracite.
Đồng thuận với quan điểm trên, theo Chứng khoán FPT (FPTS), giá ure 2018 được dự báo hồi phục do chi phí sản xuất tại Trung Quốc gia tăng đẩy mặt bằng giá ure đầu ra trong khu vực và trên thế giới tăng theo. Cụ thể, "sau thời gian dài giảm sâu đến cuối năm 2016 đã hồi phục và EIA dự báo giá dầu WTI duy trì ở mức 60 USD/thùng đến năm 2019 sẽ tích cực đến giá urea", FPTS nhận định.
Tại Đạm Cà Mau, đối với phân ure, FPTS dự phóng sản lượng tiêu thụ năm 2018 ở mức trung bình 780 nghìn tấn/năm, bằng 97,5% công suất nhà máy. Ngoài tiêu thụ trực tiếp, Công ty còn dùng ure Cà Mau làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy NPK trong nước, do đó lượng tiêu thụ ure trực tiếp tiếp tục giảm nhẹ về 760-768 nghìn tấn/năm.
Đối với các loại phân bón khác, năm 2018 lượng tiêu thụ Đạm Cà Mau được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 115 nghìn tấn với doanh thu tương ứng là 997 tỷ, tăng 60%, trong đó các mặt hàng chủ lực là Kali Cà Mau, NPK Cà Mau, DAP Cà Mau…
Tiếp tục thoái vốn Nhà nước, tập trung xây dựng chiến lược thương hiệu mới
Một trong những nội dung quan trọng khác sẽ trình cổ đông trong lần Đại hội tới đây, Đạm Cà Mau dự kiến tái cấu trúc Công ty. Đây cũng là một trong những công tác nhằm nâng cao hiệu suất kinh doanh của Công ty.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2017 Đạm Cà Mau đã hoàn thiện chiến lược vốn và báo cáo phương án cùng lộ trình thoái vốn PVN tại Công ty từ 75,56% về 51% vốn điều lệ. Hiện, Công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm đẩy mạnh công tác thoái vốn Nhà nước trong năm nay.
Tuy PVN sẽ thoái sở hữu tại Đạm Cà Mau nhưng vẫn là công ty con của Tập đoàn, điều này có thể giúp Công ty tiếp tục cơ chế giá khí từ phía PVN để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 12%/năm.
Mặt khác, PVN sẽ vẫn là nhà cung ứng đầu vào cho Đạm Cà Mau thông qua PVGas. Điều này giúp Công ty có được những lợi thế về khoản phải trả nhà cung cấp tốt hơn các doanh nghiệp trong ngành, và là ngoại lực khác hỗ trợ cho tình hình kinh doanh Công ty thời gian tới. Hơn nữa, đối với công tác đầu tư dự án lớn như nhà máy Đạm Cà Mau, việc đảm bảo nguồn khí như trên sẽ hỗ trợ cho nhà máy Công ty trong quá trình vận hành.