Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) vừa công bố ước kết quả kinh doanh lãi kỷ lục từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu lại bị giảm dư bán sàn.
Cụ thể, DCM phiên 10/1 đã bị bán mạnh từ rất sớm để lộ giá sàn. Tuy nhiên, trong phiên chiều 10/11, diễn biến thị trường bất lợi, VN-Index đỏ lửa khiến cho lực bán của DCM rất mạnh, đẩy cổ phiếu này bị giảm sàn xuống còn 32.650 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu còn dư bán sàn gần 178.800 đơn vị. Thanh khoản của DCM đạt 13 triệu đơn vị.
Giới đầu tư khá bất ngờ khi DCM đã giảm sàn ngay sau khi Đạm Cà Mau công bố ước lãi kinh doanh kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều đáng nói là DCM đã có chuỗi giảm điểm mạnh kể từ khi lập đỉnh ngày 21/12/2021 40.050 đồng/cổ phiếu. Đến nay, DCM đã rớt giá hơn 18,5%.
Diễn biến giá DCM trong 1 tháng trở lại đây
Cụ thể, Đạm Cà Mau vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2021. Theo đó, sản lương sản xuất ước đạt 898 nghìn tấn ure quy đổi, vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp ước đạt 1.017 nghìn tấn, đạt 99% kế hoạch năm.
Về kết quả kinh doanh năm 2021, Đạm Cà Mau ước tính doanh thu đạt 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.823 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 175% so với mức thực hiện năm 2020. Đây cũng là doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà DCM đạt được trong 10 năm hoạt động vừa qua.
Đạm Cà Mau có truyền thống đặt mục tiêu kết quả kinh doanh thấp. Mới đây, ngay trước thềm công bố ước kết quả kinh doanh năm 2021, Đạm Cà Mau đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất cả năm tăng từ 7.839 tỷ đồng lên 9.168 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4,4 lần lên 867 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, Đạm Cà Mau đã đạt 110% kế hoạch doanh thu và 210% kế hoạch lợi nhuận đặt ra trước đó.
Bước sang năm 2022, Đạm Cà Mau đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng sản xuất 860 nghìn tấn urê quy đổi, 80 nghìn tấn NPK. Về chỉ tiêu kinh doanh, DCM đặt kế hoạch doanh thu 9.017 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 512 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 72% so với ước thực hiện năm 2021.
DCM đã có đà tăng kỷ lục trong năm 2021 khi cổ phiếu liên tiếp lập đỉnh mới do giá phân bón tăng cao đột biến năm qua. Dù giá cổ phiếu lao dốc từ đỉnh song nhiều công ty chứng khoán vẫn nhận định khá lạc quan về cổ phiếu này.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra dự báo giá urê toàn cầu trung bình đạt 625 USD/tấn trong năm 2022, tăng 25% so với mức 500 USD/tấn vào năm 2021. Về nguyên nhân dẫn đến đà tăng của giá urê trong năm 2022, VCSC cho rằng sự thiếu hụt phân bón toàn cầu do hiệu suất hoạt động của các nhà máy urê trên toàn cầu có khả năng thấp hơn do giá khí đốt cao và chi phí lao động tăng cao dẫn đến một số nhà sản xuất urê phải đóng cửa các nhà máy. Bên cạnh đó, tình hình gián đoạn nguồn cung tiếp tục do các hạn chế do dịch COVID-19 gây ra và giá khí đốt cao duy trì ở Châu Âu trong phần lớn năm 2022 cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá urê tăng cao.
VSCS đưa ra kỳ vọng giá urê tại Việt Nam sẽ biến động tương tự giá thế giới với mức chiết khấu đáng kể. Trong tháng 10 và tháng 11/2021, giá urê bình quân toàn cầu gần như gấp đôi so với quý 3/2021. Giá urê của Việt Nam cũng diễn biến theo đà tăng của giá thế giới với giá bình quân trong tháng 10 và tháng 11 tăng 1,7 lần so với mức trung bình trong quý 3/2021.
VCSC cũng nhận định doanh nghiệp như Đạm Cà Mau sẽ được hưởng lợi từ giá urê bình quân cao hơn trong năm 2021 và 2022, cùng với tăng trưởng dài hạn từ nhu cầu xuất khẩu tăng và phân khúc NPK. Theo đó, VCSC đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh mẽ 37,7%, bất chấp mức cơ sở cao trong năm 2021, nhờ giá bán urê tăng 12% cùng với giá khí đầu vào và sản lượng tiêu thụ không đổi.
Trong khi đó Công ty Chứng khoán SSI dự báo năm 2022 lợi nhuận của DCM ở mức 1.588 tỷ đồng do tình trạng thiếu cung than hiện tại cùng với việc Trung Quốc hạn chế sản xuất và nhu cầu cao từ Ấn Độ có thể hỗ trợ giá urea tăng cao. Giá mục tiêu của SSI cho cổ phiếu DCM ở mức 40.400 đồng/cổ phiếu.