Theo tin từ CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và biến động bất lợi của thời tiết làm khô hạn, hạn mặn nghiêm trọng, nhu cầu và giá phân bón, nông sản tiếp tục giảm sâu.
Trước tình hình đó, DCM đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp trong quản trị, điều hành hoạt động chung của công ty, trong công tác phòng chống dịch, qua đó bảo đảm an toàn cho người lao động, vận hành sản xuất và kinh doanh, phát triển thị trường ổn định.
Đặc biệt, trong tháng 8, tháng 9 là giai đoạn thấp điểm của thị trường do nhu cầu trong nước giảm, tồn kho thường tăng cao. Tuy nhiên năm nay, do có đột biến về nhu cầu và giá ure thế giới nên DCM đã tận dụng cơ hội, thực hiện tốt công tác tìm kiếm các thị trường tiềm năng để xuất khẩu nên lượng tiêu thụ tháng 8 tăng cao, vượt 21% so với kế hoạch.
Ngoài ra, do hưởng lợi từ giá dầu giảm kéo theo giá khí đầu vào thấp hơn giá kế hoạch, lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2020 của DCM ước đạt hơn 424 tỷ, vượt xa kế hoạch năm (kế hoạch lãi sau thuế năm 2020 đạt gần 52 tỷ đồng). DCM cũng đang xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trong tháng 8 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã thực hiện dừng máy để bảo dưỡng cơ hội. Do tình hình thiết bị còn tương đối tốt, giúp giảm bớt một số phần việc, DCM đã rút ngắn thời gian bảo dưỡng tổng thể 2 ngày. Công tác bảo dưỡng đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch Covid - 19. Sau bảo dưỡng, Nhà máy Đạm Cà Mau đạt công suất tối đa khá nhanh. DCM dự kiến nâng công suất Nhà máy thêm 2% lên 112% công suất để tăng lượng tiêu thụ khí.
Song song đó, tận dụng cơ hội từ thị trường thế giới, chủ động trong kế hoạch triển khai hoạt động xuất nhập khẩu, Đạm Cà Mau đã phối hợp với các đối tác, nhà phân phối lớn tham gia các phiên đấu thầu quốc tế và thu được kết quả khả quan. Qua đó, không chỉ mang về hàng chục triệu USD doanh thu, cải thiện hiệu quả kinh doanh của công ty mà còn góp phần trực tiếp giảm áp lực tồn kho, cân bằng cán cân cung cầu của ngành phân bón nội địa nói chung trong khi vẫn chuẩn bị sẵn sàng 200.000 tấn phân bón phục vụ cho bà con ĐBSCL vụ đông xuân và các khu vực khác.