Đọc sách luôn là một thứ mà không thật sự được tất cả mọi người yêu thích. Việc duy trì thói quen đọc sách cần sự kiên trì, nỗ lực rất lớn của người đọc sách. Tôi ít thấy ai thật sự say mê đọc sách, họ chủ yếu đọc để giải trí, hay để phục vụ công việc cá nhân, hay một mục đích nào đó chứ ít khi là để thỏa mãn niềm đam mê.
Tôi cũng vậy, tôi cũng không phải người thực sự đam mê đọc sách, tôi đọc vì tôi muốn học hỏi những thứ mới mẻ để có thể áp dụng được vào thực tế kinh doanh, tìm kiếm các ý tưởng mới đột phá, để hoạt động kinh doanh tốt hơn, hiệu quả hơn,… Tôi cũng mong muốn được nghỉ ngơi sau giờ làm, được vui chơi giải trí mà không phải đọc gì, nghiên cứu gì cả như đại đa số mọi người. Nhưng tôi cần duy trì sự kỷ luật của bản thân để có thể tiến tới mục tiêu mà tôi đã đặt ra trước đây và theo đuổi nó.
Sách đã hỗ trợ cho quá trình đầu tư của tôi như thế nào?
Tôi là một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán (tôi chỉ đầu tư chứng khoán mà không đầu tư bất động sản hay các tài sản tài chính khác như trái phiếu, fx hay coin,…).
Trong sách tài chính, tôi ưa thích nhất cuốn "Warren Buffett – Quá trình hình thành nhà tư bản Mỹ" của Roger Lowenstein. Cuốn sách này mỏng hơn cuốn "Hòn tuyết lăn" và cũng khá đầy đủ nội dung về cuộc đời, cách ngài Buffett xây dựng đế chế khổng lồ của mình từ con số nhỏ bé ban đầu. Nó cũng thể hiện được triết lý cho đi của ngài Buffett, được xây dựng từ thời nhà tư bản thép Carnegie khi ngài Carnegie đã cho đi phần lớn tài sản của mình mà ông gọi là "Phúc âm của sự giầu có", nghĩa là đừng để ta khi chết đi với một đống tài sản mà nên cho đi từ khi ta còn đang sống.
Tôi cũng đọc các tác phẩm kinh điển về đầu tư như "Phân tích chứng khoán và Nhà đầu tư thông minh" của Benjamin Graham nhưng không thật sự để lại ấn tượng quá sâu sắc trong tôi. Có lẽ tôi không phù hợp để trở thành một nhà đầu tư giá trị cực kỳ kiên nhẫn như ông, tôi vẫn như tuyệt đại bộ phận nhà đầu tư cảm thấy bị áp lực khi tài sản suy giảm mạnh bởi các cú bán tháo trên thị trường chứng khoán vẫn thi thoảng diễn ra vài lần trong năm.
Câu nói bất hủ của nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Sir JohnTempleton "This time it’s different" (dịch là: "lần này sẽ khác") có lẽ là câu nói mà bất cứ một nhà đầu tư nào đều cần ghi nhớ và tự hỏi bản thân hàng ngày. Rõ ràng là, hiện tại không lặp lại y hệt lịch sử, nhưng nó có lặp lại. Và đại đa số chúng ta luôn tìm cách lý giải cho hiện tại rằng lần này sẽ khác so với quá khứ vì các lý do abcd nào đó và ta chối bỏ sự thật rằng khả năng lớn là nó lại xảy ra tương tự như đã xảy ra trong quá khứ.
Tôi vẫn tin vào khả năng giao dịch chủ động nắm bắt được thời điểm thị trường của mình hơn là tin vào việc nắm giữ, mua thêm khi cổ phiếu xuống dưới giá trị sâu. Có lẽ do chúng ta không thể chịu đựng được sự mất mát về tài sản quá lớn khi giá liên tục sụt giảm, ta theo dõi bảng giá chứng khoán thay đổi hàng ngày và điều này tác động quá lớn vào tâm lý chúng ta.
Có lẽ chỉ khi nhà đầu tư mua được giá vốn cực thấp, và các cú sụt giảm vẫn còn cách xa giá vốn và cầm với tỷ trọng nhỏ trong danh mục ta mới có thể duy trì được trạng thái đó dù biết khi giá cổ phiếu giảm thì đã thấp hơn giá trị nội tại của nó rất nhiều.
Tôi cũng đã đọc về lịch sử của thị trường chứng khoán các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chưa có ai viết lại lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng rõ ràng là khi làm ở lĩnh vực gì ta cần phải hiểu được lịch sử của ngành đó, vì các sai lầm ngày nay ta gặp phải hầu hết những người đi trước chúng ta đã từng gặp trong quá khứ trước đó. Chỉ có rất ít các vấn đề mới phát sinh ở hiện tại mới có mang tính kỹ thuật, còn các vấn đề liên quan tới tâm lý nhà đầu tư như sự hưng phấn trong thị trường giá lên, sự bi quan trong thị trường giá xuống hầu như không có gì thay đổi ở các thị trường trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Các môi giới trên thị trường, các nhà đầu tư tại Việt Nam hiện nay có lẽ đặt niềm tin lớn nhất vào phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng (momentum), và một số người nổi bật trong trường phái này cũng thể hiện sự vượt trội trong hiệu quả đầu tư của mình so với thị trường chung. Nhưng trường phái này luôn có một giới hạn là tính quy mô, ta có thể làm thành công ở quy mô vừa phải nhưng sẽ rất khó để làm được với quy mô rất lớn. Tôi cũng đánh giá với quy mô rất lớn, sẽ rất khó có quỹ chủ động nào có thể chiến thắng được quỹ chỉ số thụ động được đa dạng hóa cao về dài hạn. Và các quỹ chủ động lớn danh mục về cơ bản cũng khá giống các chỉ số chứng khoán lớn và chỉ có sự thay đổi một chút tỷ trọng so với các chỉ số chứng khoán chính.
Chúng ta nên đọc các cuốn sách của Peter Lynch và Philip A Fisher để hiểu các cách đầu tư cổ phiếu tăng trưởng rất hiệu quả đã giúp họ trở thành các huyền thoại đầu tư tại phố Wall. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể nên học tập từ bài học thất bại của huyền thoại đầu cơ Jesse Livermore qua một số tác phẩm viết về ông, về quá trình trở thành nhà đầu cơ vĩ đại và sụp đổ của ông cùng thị trường. Việc áp dụng các phân tích kỹ thuật vào giao dịch vẫn chỉ là mang tính xác suất và nó chỉ đúng ở khoảng 60-65% nên nếu ta tin tuyệt đối vào các mô hình dự báo của phân tích kỹ thuật và đặt cược quá lớn cũng như không cắt lỗ thật sự kỷ luật thì việc thất bại trong đầu tư là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Bạn không cần phải sở hữu chỉ số IQ cao ngất ngưởng để trở thành nhà đầu tư. Điều quan trọng là bạn phải kiên trì và tuân thủ các nguyên tắc một cách tuyệt đối và phải học xong môn toán lớp 5 – Peter Lynch
Ta có thể may mắn được một số lần nhưng về dài hạn chắc chắn sẽ có lúc nào đó ta thất bại nếu tin vào nó và đặt cược quá mức vào một thương vụ. Đặc biệt những nhà đầu tư ưa thích all-in một mã cổ phiếu và full margin thì rủi ro thất bại là gần như chắc chắn sẽ xảy ra ở thời điểm nào đó trong tương lai. Ta không nên đa dạng hóa quá mức, nhưng cũng đừng nên ham muốn quá mức việc làm giầu nhanh bằng biện pháp all-in full margin.
Đầu tư cần một tầm nhìn dài hạn, sự tăng trưởng bình quân 22%/năm đã giúp ngài Buffett trở thành người giầu top thế giới sau vài chục năm, mức lợi nhuận 66%/năm giúp Jim Simons trở thành ông hoàng quỹ đầu cơ thế giới. Và ta không nhất thiết phải đánh đổi quá lớn với các cú all-in full margin một mã như cách mà nhiều người đang làm hiện tại.
Nhiều người đưa ra lý do vốn bé không bõ đa dạng hóa, hay đa dạng hóa không được. Nhưng với tư duy phân bổ theo tỷ trọng đầu tư thì thật ra nguồn vốn vài chục triệu đồng là ta có thể dễ dàng đa dạng hóa 5-7 cổ phiếu để đầu tư nhằm đem lại sự ổn định và an toàn hơn cho danh mục, với mức return mong muốn nhỏ hơn bình quân 20%/năm hoàn toàn có thể giúp ta trở lên giầu có sau 10 năm, đặc biệt nếu ta có dòng tiền bổ sung hàng tháng đều đặn vào tài khoản đầu tư của mình.
Các cuốn sách tôi đã đọc
Về đọc sách, tôi đọc chủ yếu các thể loại sách theo thứ tự là sách về tài chính, kinh doanh – kinh tế, tâm lý học, triết học và lịch sử. Tôi có niềm yêu thích đọc lịch sử từ bé và cũng đọc rất nhiều lịch sử Trung Quốc, có lẽ một phần do thời tôi lớn lên sách truyện về lịch sử Trung Quốc tràn lan mà lịch sử Việt Nam lại chỉ có trong sách lịch sử trường học. Tôi thuộc lòng 13 triều vua nhà Thanh từ khi còn bé.
Tôi yêu thích nhất tác phẩm "Bài học của lịch sử" của vợ chồng nhà sử học Will & Ariel Durrant của dịch giả Nguyễn Hiến Lê dịch và gần đây Omega Book có xuất bản lại với bản dịch của tác giả Minh Tuệ (tôi chưa đọc bản này). Đây có lẽ là cuốn sách về lịch sử có tầm nhìn tổng quát nhất lịch sử nhân loại mà rất ngắn gọn cho mọi người đọc. Có lẽ bộ sách "Lịch sử văn minh thế giới" của Will & Ariel Durrant mà IRED xuất bản là cuốn sách lịch sử đồ sộ nhất được xuất bản ở Việt Nam từ trước tới nay cho ai đam mê lịch sử đón đọc.
Gần đây, tôi cũng đọc nhiều lịch sử Việt Nam và học hỏi được rất nhiều bài học từ sự thất bại của các triều đại phong kiến, và các sai lầm đó cứ lặp đi lặp lại ở mọi triều đại và hiện tại vẫn thế. Có lẽ nó nằm sâu trong bản chất tâm lý của con người mà 1.000 năm nay 5.000 năm qua vẫn không có nhiều thay đổi. Tôi nghĩ rằng chúng ta càng nên đọc nhiều sách lịch sử càng tốt, đọc càng sớm càng tốt là điều quan trọng nhất khi ta còn trẻ.
Tôi rất ưa thích đọc các sách về tâm lý học và triết học. Thật sự trước đây tôi cũng không thật sự yêu thích triết học khi học triết học Mac – Lenin tại trường đại học, nhưng sau khi nghiên cứu một quyển sách về triết học tôi lại thật sự rất yêu thích nó. Nó không nặng tính chính trị áp đặt như triết học ta được học ở nhà trường mà rất thâm sâu, và ý nghĩa. Cũng có những tác phẩm lại rất đời thường như bộ "Trò chuyện triết học" của tác giả Bùi Văn Nam Sơn. Nhưng tôi vẫn chưa thật sự đọc được nhiều cuốn sách về triết học dù trong thư viện mini của tôi có khoảng 300 cuốn về các chủ đề liên quan triết học từ kinh điển tới cận đại.
Tôi đọc nhiều về tâm lý học hơn vì nó có tính ứng dụng rất cao vào công việc của tôi. Trong công việc đầu tư của tôi, yếu tố hiểu và kiểm soát được tâm lý của bản thân chiếm tới 40% sự thành công trong công việc. Một số cuốn sách tôi yêu thích nhất trong chủ đề tâm lý học là cuốn: "Tâm lý học đám đông" của Gustave Le Bon và "Tư duy nhanh và chậm" của Daniel Kahneman. Nó không thật sự dễ hiểu nhưng nó lại rất hay và ý nghĩa cho ai làm về đầu tư như tôi. Ngoài ra, các cuốn sách của Dan Arley cũng rất thú vị cho chủ đề này, hoặc bộ sách của Malcolm Gladwell. Tôi cũng quyết định dành thời gian để đọc sách về triết học nhiều hơn trong thời gian tới, có lẽ 1 năm cần đọc 2-3 cuốn sách về triết học thay vì đọc bị lệch như hiện tại.
Với nhóm sách về kinh tế học, tôi cũng đã đọc khá nhiều cuốn kinh tế học kinh điển mà trước đây đã từng học tại Đại Học (môn lịch sử các học thuyết kinh tế) nhưng sau này tôi cũng quên đi nhiều. Tôi cũng ưu tiên đọc theo thứ tự từ "Của cải các dân tộc" – Adam Smith, tới "Lý thuyết tổng toán về việc làm, lãi suất, và tiền tệ" của John Maynard Keynes, "Những nguyên lý của kinh tế chính trị học và thuế khóa" – David Ricardo, Kinh tế học của Paul A. Samuelson,… và cũng khá nhiều các học thuyết kinh tế học hiện đại, hay các bộ sách của Jarred Diamond cũng có những cách nhìn khác đi về kinh tế hiện đại và sự vận hành của các nền kinh tế hiện đại. Mặc dù đây chỉ là kiến thức nền tảng không thật sự kiếm được tiền ngay từ những thức ta đọc này nhưng nó tạo cho ta một lối tư duy kinh tế phù hợp về mặt logic.
Trong nhóm sách kinh doanh nói chung, tôi rất hay đọc sách về tiểu sử các nhân vật thành công trong kinh doanh. Sự thật là, người ta cũng hầu như chỉ viết về các nhân vật thành công và nổi tiếng chứ hiếm ai viết về sự thất bại. Đơn giản là người đọc thích nghe các câu chuyện vượt khó thành công và dễ có cảm tình hơn là các câu chuyện thất bại trong kinh doanh. Các doanh nhân thành đạt tạo ra các gia tộc như bộ Titan của Ron Chevrnow với 2 gia tộc Morgan và Rockefeller, các cuốn sách về tiểu sử Henry Ford, hay vua thép Carnegie, Câu chuyện của Bill Gate, Jack Ma hay Tesla của Elon Mush,…
Tôi cực kỳ ưa thích nhất cuốn "30 năm sóng gió" của tác giả Trung Quốc Ngô Hiểu Ba. Nó kể về thành công và thất bại trong 30 năm đổi mới của Trung Quốc từ 1978-2008 và sau đó là bộ 2 cuốn "Bài học để đời từ những doanh nghiệp thất bại". Tôi vẫn ưa thích đọc các câu chuyện thất bại hơn là thành công. Tôi luôn nhớ, thành công thì khó lặp lại, nhưng thất bại thì theo một cách nào đó lại luôn lặp lại chỉ khác đi đôi chút.
Các chủ đề về khởi nghiệp cũng khá hấp dẫn tôi và tôi cũng tìm đọc một số chúng, từ các cách quản trị công ty khởi nghiệp, cách đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, tới các chủ đề về đồng tiền ảo những nên các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng. Đây thật sự là chủ đề hot và nó tạo ra những doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện tại chứ không phải như Việt Nam các doanh nghiệp lớn nhất thường là ngân hàng và bất động sản.
Tôi cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng ngày càng suy yếu trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp công nghệ mới, công nghệ tiên phong và ta cần theo sát chủ đề này để có thể tìm được các đối tượng đầu tư hiệu quả trong tương lai.