Việc Tổng thống Trump bất ngờ sa thải ông Bolton có thể là một tín hiệu tích cực trong mắt các quan chức Triều Tiên. Đây trở thành cơ hội để tiếp tục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng không còn phải đối đầu với "một con diều hâu kiên cường" ở phía bên kia.
Trong quá khứ, ông Bolton từng đề xuất sử dụng sức mạnh quân sự để lật đổ chế độ tại Triều Tiên. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng ông Bolton chính là nguyên nhân chính dẫn tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không đạt được kết quả khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Việt Nam hồi tháng 2 vừa qua.
Ông Trump sa thải ông Bolton chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phát tín hiệu họ sẵn sàng trở lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Cùng với thông báo này, Bình Nhưỡng tiếp tục một hành động thị uy bằng việc phóng một loạt tên lửa.
Các nhà phân tích chính sách nói rằng sự ra đi của ông Bolton sẽ giúp Mỹ hồi sinh các cuộc đàm phán nhưng không khiến mục tiêu giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Washington đạt được một cách dễ dàng hơn.
"Bình Nhưỡng rất coi thường ông Bolton và ai cũng biết điều ấy. Ông Kim Jong Un có thể sẽ phản ứng tích cực với quyết định này và có thể sớm nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ", Giáo sư Leif-Eric Easley của Đại học Ewha tại Seoul cho biết.
Harry Kazianis, chuyên gia về Triều Tiên, thì cho rằng ông Trump có thể thoải mái tìm một cố vấn an ninh quốc gia không muốn dùng chiến tranh để thay đổi chế độ tại Triều Tiên mà còn sẵn sàng ủng hộ các đường lối ngoại giao của phía Mỹ. Stephen Biegun, đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên của ông Trump, có thể là một cái tên sáng giá.
Tuy nhiên, ông Bolton có lẽ không phải trở ngại duy nhất. Truyền thông nhà nước Triều Tiên từng nhiều lần chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và kêu gọi ông Trump thay thế nhân vật này bằng "một nhà đàm phán trưởng thành hơn". Tháng trước, Triều Tiên gọi ông Pompeo là "thuốc độc", người chỉ khiến đàm phán phức tạp hơn.
Phát biểu sau quyết định của Tổng thống Trump, ông Pompeo khẳng định mình và cố vấn Bolton có nhiều lần bất đồng nhưng các quốc gia cũng đừng mong đợi một sự thay đổi bước ngoặt trong cách tiếp cận của Mỹ.
"Đây đều là những chính sách của ngài Tổng thống. Chúng tôi chỉ đưa ra những lời khuyên tốt nhất của mình và chúng tôi chia sẻ với ông những hiểu biết của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không nghĩ bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới nên giả định rằng sự ra đi của chúng tôi có thể làm thay đổi chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump", ông Pompeo nhấn mạnh.