Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã chứng khoán DPM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý 4, doanh thu thuần đạt 1.930 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ giảm chi phí giá vốn thấp hơn, chỉ 10,7% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 387 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 24,4% xuống còn 20,1%. Đạm Phú Mỹ giải trình, do giá khí nguyên liệu đầu vào chính tăng nên dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, làm cho lợi nhuận gộp giảm.
Trong quý 4 vừa qua, doanh thu tài chính đạt 61,7 tỷ đồng, tăng 2,3 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính – mà chủ yếu là chi phí lãi vay – giảm được 7,6 tỷ đồng, xuống còn 18,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong quý 4 vừa qua chi phí bán hàng tăng mạnh lên 235 tỷ đồng, tương ứng tăng 33 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu tăng chi phí quảng cáo, khuyến mãi và chi phí vận chuyển, bốc xếp, thuê kho. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 53 tỷ đồng, lên mức 148 tỷ đồng, chủ yếu do ghi tăng khoản trích lập quỹ nghiên cứu phát triển 20 tỷ đồng và chi phí nhân viên quản lý.
Một chỉ tiêu tác động mạnh tới lợi nhuận trong quý của Đạm Phú Mỹ là khoản lợi nhuận khác hơn 84 tỷ đồng (cùng kỳ ghi âm gần 4 tỷ đồng). Trong đó ghi rõ, thu nhập khác hơn 528 tỷ đồng là tiền bồi thường 6,2ha đất Cà Mau và bồi thường của PVI (kho Vũng Áng và gián đoạn kinh doanh), và chi phí khác gần 444 tỷ đồng – là tiền thuê đất và chậm nộp, cùng chi phí thanh lý của 6,2ha đất Cà Mau.
Kết quả, quý 4 Đạm Phú Mỹ báo lãi trước thuế hơn 132 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 106,3 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với số lãi 237 tỷ đồng đạt được quý 4/2019, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 103 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020 doanh thu thuần đạt 7.762 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 7.683 tỷ đồng đạt được năm 2019. Chi phí giá vốn giảm, doanh thu tài chính tăng, chi phí bán hàng tăng và khoản lợi nhuận khác tăng là những nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận sau thuế còn 703 tỷ đồng, tăng gần 81% so với năm 2019, và vượt đến 62% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. EPS đạt 1.557 đồng.
Tính đến hết năm 2020 tiền và các khoản tương đương tiền của Đạm Phú Mỹ đạt 2.279 tỷ đồng, giảm 700 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó các khoản tương đương tiền 2.014 tỷ đồng (giảm 613 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra khoản tiền gửi có kỳ hạn 1.935 tỷ đồng, tăng 900 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Đạm Phú Mỹ cũng giảm dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn xuống còn 150 tỷ đồng (giảm 27 tỷ đồng so với đầu năm) và giảm dư vay nợ thuê tài chính dài hạn xuống còn 900 tỷ đồng (giảm 163 tỷ đồng so với đầu năm).