Ngày 28/1 tới đây Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã chứng khoán DPM) sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền. Tỷ lệ chi trả 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.000 đồng. Thời gian thanh toán 16/2/2022.
Như vậy với xấp xỉ 391,4 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Đạm Phú Mỹ sẽ chi khoảng hơn 391 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Hiện Đạm Phú Mỹ chưa công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Tuy vậy tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2021, triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 , Tổng giám đốc công ty đã tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 với ước sản lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 1.035.000 tấn phân bón và hóa chất các loại. Trong đó, 2 sản phẩm chính là sản xuất Đạm Phú Mỹ ước đạt trên 792 nghìn tấn, tương ứng 103% kế hoạch năm và sản xuất NPK Phú Mỹ ước đạt trên 162 nghìn tấn, tương ứng 108% kế hoạch năm và tăng trưởng 41% so với năm 2020.
Sản lượng kinh doanh trong năm 2021 ước đạt trên 1.263.000 tấn phân bón, hóa chất các loại, nổi bật là kinh doanh NPK Phú Mỹ ước đạt gần 151.500 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020; còn Đạm Phú Mỹ ước đạt 740.700 tấn.
Cộng thêm yếu tố giá phân bón thế giới tăng, tổng doanh thu năm 2021 của Đạm Phú Mỹ ước tính lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.600 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 63% và 324% so với thực hiện năm 2020, đây là mức lợi nhuận kỷ lục của Tổng Công ty.
Trên thị trường cổ phiếu DPM sau khi vượt ngưỡng 50.000 đồng/cổ phiếu, lên cao nhất ở mức 55.500 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/12/2021), thì DPM đã điều chỉnh giảm mạnh. Hiện DPM giao dịch quanh mức 41.900 đồng/cổ phiếu.