Lo lắng trước lệnh phạt mới, nhiều dân buôn hàng xách tay liên tục xả sốc, thanh lý hàng với giá rẻ, cực kỳ ưu đãi.
Gần 2 tuần nay, chị Hương (Hà Nội) liên tục lên mạng rao bán, thanh lý các mặt hàng xách tay mà chị đang kinh doanh. Các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng trong gia đình. Để tiêu thụ nhanh, chị giảm giá từ 5 - 15% cho giá trị mỗi đơn hàng và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại.
Đơn cử như các dòng sản phẩm dưỡng da, sữa rửa mặt, kem chống nắng, dụng cụ trang điểm sẽ được giảm 5%, thực phẩm chức năng, sữa, quần áo giảm 10%. Đặc biệt với hàng chạy date (chạy hạn sử dụng) có thể được giảm giá lên tới 20%.
"Nếu không có quy định xử phạt mới thì làm gì khách có giá tốt như hiện nay, mà tôi cũng chẳng bao giờ bán giá đó. Bởi người tiêu dùng thừa hiểu có những mặt hàng mua theo đường xách tay giá còn rẻ hơn so với đồ nhập khẩu" - chị kể.
Dân buôn ồ ạt xả kho, thanh lý hàng xách tay trước lệnh phạt mới |
Theo tiết lộ, chị Hương làm nghề bán hàng xách tay được hơn 3 năm. Thời điểm trước dịch Covid-19, cứ 3 tháng 1 lần, chị lại bay sang Anh, Pháp, Mỹ để nhập hàng. Nhờ vốn tiếng Anh tốt, công việc buôn hàng xách tay với chị trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn.
"Tôi hay canh dịp khuyến mại của các thương hiệu để gom đồ. Thường đi buôn đã có lãi rồi nhưng mà canh đúng dịp xả hàng thì còn lời hơn" - chị Hương nói.
Không thể phủ nhận, mảnh đất kinh doanh hàng xách tay ở Việt Nam vô cùng béo bở nên ai có cơ hội cũng mong muốn nhảy vào. Không chỉ với dân buôn chuyên nghiệp mà ngay cả với các du học sinh hiện đang học tập và sinh sống ở nước ngoài.
Như nhóm bạn của Hoa, một du học sinh ở Hàn Quốc cho biết, trung bình mỗi tháng, nhóm vận chuyển 50 - 80 triệu tiền hàng về Việt Nam. "Đa số hàng Hàn là mỹ phẩm, quần áo, giày dép và một số ít là thực phẩm chức năng. Bọn tôi chủ yếu là bán lại cho các cửa hàng, mối buôn, phần còn lại mới dành cho khách lẻ. Nhưng từ khi có dịch thì mọi thứ hiện như đóng băng, làm ăn không được tốt như trước nữa".
Theo quy định mới, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng |
Tương tự, anh T.H (Hà Nội), một người chuyên hàng xách tay Nhật cho biết, hiện anh cũng phải thanh lý dần các sản phẩm trước khi Nghị định mới được thực thi.
"Hiện trong kho nhà tôi còn khoảng 100 hộp sữa Nhật, mỗi hộp có giá 450.000 - 550.000 đồng. Chưa kể còn rất nhiều loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem chống nắng, thực phẩm chức năng. Nếu theo mức xử phạt mới, thì tôi có thể bị phạt tiền lên tới 200 triệu đồng, con số này với dân buôn thì quả thực là quá lớn".
Để tiêu thụ nhanh, anh H đẩy mạnh việc mua bán online và tiếp cận các sàn thương mại điện tử. Theo dự tính, trước ngày thực thi Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cửa hàng anh sẽ bán hết được 2/3 số lượng hàng tồn kho.
Nhiều dân buôn hàng xách tay lo "mất xới" trước mức phạt mới |
Tuy nhiên, anh H cũng thú nhận, ngoài việc mang mác xả hàng xách tay thì đây cũng là cơ hội để dân buôn chạy hàng cận date. Bởi tâm lý người Việt là ham rẻ nên cứ có khuyến mại lớn là đổ xô đi mua.
"Đây là tôi chỉ chạy date chứ nhiều nơi còn tranh thủ trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán. Bởi họ chỉ cần có cái cớ để thực hiện, nên mua hàng thời gian này phải hết sức cẩn thận. Vì của thật thì ít mà của giả thì nhiều" - anh H bật mí.
Từng là nạn nhân trong trường hợp kể trên, chị Trần Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau khi thấy đoạn quảng cáo với tiêu để "nghỉ bán, xả hàng xách tay với giá cực sốc", chị đã bỏ 2 triệu đồng tiền thật để mua một mớ hàng giả.
"Gần đây trong nhiều hội nhóm, diễn đàn hàng xách tay xả đồ với lý do nghỉ bán do lệnh phạt mới. Thấy vậy, tôi nhẹ dạ cả tin, bỏ ra 2 triệu đồng để mua đồ. Nào ngờ khi nhận hàng, mở ra mới thấy một nửa trong số đó là hàng giả, gọi điện khiếu nại thì đầu dây bên kia tắt máy" - chị buồn rầu nói.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.
Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 2 lần số nêu trên.
(Theo Dân Trí)