Sáu tháng qua hàng ngàn con cá tra kéo đến ngụ tại bến nước ngay nhà bà Nguyễn Thị Nhàn, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Đàn cá rất dạn dĩ tự bơi qua bơi lại trên tay người cho chúng ăn.
Thời gian qua tại miền Tây xuất hiện nhiều đàn cá tự nhiên di chuyển đến bến sông, ao cá của người dân "xin ở nhờ". Và gần đây nhất có hàng ngàn con cá tra kéo đến trú ngụ tại bến sông nhà bà Nguyễn Thị Nhàn ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Ở đây bà Nguyễn Thị Nhàn, hành nghề lái đò đang cưu mang đàn cá "trời ban" đã 6 tháng nay.
Bà Nhàn cho biết, khoảng một năm trước có một đàn cá tra khác, ước chừng số lượng hơn 3 tấn cũng đến đây trú ngụ, khi bà nuôi được tầm 8, 9 tháng bị kẻ ác ném thuốc sâu xuống cá chết hết.
"Thời gian đó tôi buồn dữ lắm vì mới chiều tôi cho cá ăn, chúng vẫn còn đó mà sáng hôm sau tôi gọi mãi không có con nào ngoi lên ăn. Tôi chạy ra các đoạn sông lân cận thì thấy người ta vớt xác cá để hàng chục giỏ trên bờ", bà Nhàn rưng rưng kể về đàn cá tra đầu tiên.
Bẵng đi một thời gian độ khoảng tháng 10, bất ngờ có một đàn cá khác xuất hiện đến bơi lượn, quẫy đuôi đòi ăn tại bến sông trước nhà bà Nhàn. So với đàn cá trước, lứa cá này nhỏ hơn và số lượng ít hơn.
Hiện tại số lượng cá tra được bà Nhàn "cưu mang" đã lên đến khoảng 2000 con, mỗi con cá nặng trung bình từ 1- 3kg, có con nặng đến 4 - 5kg. Ngoài cá tra vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều còn có cá éc, cá dảnh, cá trê… đến bến đò nhà bà xin ăn.
Trung bình, mỗi ngày bà cho cá ăn 2 cữ vào sáng và chiều, khẩu phần chính gồm thức ăn viên. Thi thoảng có thời gian bà nấu thêm tấm trộn với cám to cho cá ăn.
Từ ngày có đàn cá, nhà bà Nhàn lúc nào cũng rộn tiếng nói cười vì du khách các nơi ghé chơi, nhiều người còn đem thức ăn đến cho cá.
"Tiền công lái đò mỗi ngày kiếm chừng 300.000 đồng và tôi dành ra 100.000 đồng để mua thức ăn cho cá. Dù kinh tế có phần eo hẹp hơn trước nhưng tôi vẫn cố gắng kiếm thêm công việc khác trang trải. Tôi đã nuôi chúng rồi giờ bỏ chúng thì tội lắm!", bà Nhàn tâm sự.
Cũng theo bà Nhàn, đàn cá tra này rất dạn dĩ. Ai đến cũng có thể chạm vào chúng, thậm chí cầm thức ăn trên tay và đút tận miệng cho cá mà không sợ chúng cắn hoặc đâm trúng tay.
Bà Nhàn cũng thường gọi đàn cá là các "con". Mỗi lần đi đâu xa bà lại "dặn dò" đàn cá "bơi quanh nhà, chớ bơi xa nghe con không thì người ta bắt mất".
(Theo Dân Trí)