Theo bà con ấp Chí Thành, người có công đêm nghề đan cần xé về ấp là ông Trà Văn Tám, năm nay đã 76 tuổi. Theo ông Tám, khoảng năm 1968, ông và gia đình từ xã Tân Hội (Tân Hiệp) về ấp Chí Thành sinh sống. Thấy nghề đan cần xé vừa dễ học, lại nhàn hạ nên ông quyết chí học nghề rồi truyền lại bà con trong ấp. Vậy là từ đó nghề đan cần xé dần được nhân rộng.
Tại làng nghề đan cần xé Chí Thành, già, trẻ đều có thể theo nghề, kiếm thêm thu nhập.
Hiện nay do sức khỏe giảm sút, nên ông Tám chỉ nhận làm gia công cho bà con làm nghề trong ấp. Mỗi ngày ông có thể đan được khoảng 10 cái, kiếm được 70.000-100.000 đồng. Ông Tám nói: “Nhà không ruộng đất nên các con tôi lớn khôn, dựng vợ gả chồng cũng nhờ nghề đan cần xé. Từ khi có Hợp tác xã điều hành, nghề đan cần xé xóm này mỗi ngày một phát triển, bà con làm ra sản phẩm thu nhập khá và ổn định nên vẫn giữ nghề theo kiểu cha truyền con nối”.
Ông Tám chính là người đem nghề đan cần xé về ấp. Ảnh; NQ.
Năm 2009, Hợp tác xã (HTX) đan đát Trúc Xinh ở ấp Chí Thành ra đời với 64 thành viên, trở thành điểm tựa cho người dân làm nghề đan cần xé. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân duy trì nghề truyền thống địa phương, Ban Giám đốc HTX đan đát Trúc Xinh đã trải qua những ngày vất vả, chở cần xé bằng xe máy sang tận An Minh, Châu Thành và các tỉnh lân cận để bán lẻ cho ghe đánh bắt hải sản.
Từ 3 năm nay, bà con chỉ cần ngồi tại nhà cũng có xe tải đến tận nhà để đem cần xé đi khắp nơi tiêu thụ. Thương lái thu mua là người địa phương, các doanh nghiệp, các vựa trong và ngoài huyện. Nhờ vậy, đầu ra sản phẩm của làng nghề đan cần xé ổn định, người làm nghề cũng an tâm hơn.
Nhờ tỉ mỉ trong từng khâu, sản phẩm của làng nghề luôn được khách hàng tin tưởng. Ảnh: NQ.
Theo lời ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc HTX đan đát Trúc Xinh, cứ cách 20 ngày, HTX tiêu thụ từ 300-700 cái cần xé. Để đảm bảo nguồn hàng cung cấp theo đơn đặt hàng và sản phẩm bà con làm ra không bị thương lái thu mua ép giá, HTX chia đều cho các thành viên cùng đan, những hộ khó khăn được ứng trước vốn để mua nguyên liệu.
Những năm gần đây, bình quân HTX cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 cần xé/năm. Một chiếc cần xé loại đường kính 50-65cm có giá 35.000-100.000 đồng, cao hơn so 3 năm trước 10 ngàn đồng/sản phẩm.
Ông Thành cho biết: “Với giá này, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ 2 lao động thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. So với lúc trước, nguồn thu nhập này tăng và ổn định hàng tháng, đủ trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày”.
Theo ông Thành, 3 năm gần đây, bình quân HTX cung ứng cho thị trường khoảng 2.000 cần xé/năm. Ảnh: NQ.
Từ hộ không có đất sản xuất, cũng nhờ đeo nghề đan cần xé mà gia đình chị Đào Thị Cà Bay, thành viên HTX, không những sống khỏe với nghề mà còn nuôi 5 người con ăn học, cất nhà cửa khang trang.
Em Trà Thị Hiểu, con gái chị Cà Bay năm nay 13 tuổi nhưng đã 3 năm nay phụ mẹ đan cần xé sau giờ tan trường. Em Hiểu nói: “Em thấy nghề này không khó làm, chỉ cần chịu khó là có thể kiếm được tiền giúp ba mẹ trang trải sinh hoạt gia đình và lo cho em ăn học”.
Tại làng nghề đan cần xé Chí Thành, ở các độ tuổi khác nhau đều có thể theo nghề. Ảnh: NQ.
Theo ông Thành, một chiếc cần xé hoàn chỉnh làm hài lòng thương lái và khách hàng phải trải qua 10 công đoạn gầy mê, lên mê, đan, đánh nan tư, léo, đóng quai, luồn, vấn, nẹp hông... Trong đó, khâu khó nhất là gầy mê và lên mê vì ảnh hưởng đến sự định hình cần xé. Với những hộ trong làng nghề, khi đã quen tay, các công đoạn khá đơn giản, mỗi người có thể đan hoàn chỉnh từ 10-20 cái cần xé/ngày.
Rành nghề nhưng những hộ đan cần xé ở HTX đan đát Trúc Xinh chưa bao giờ dễ dãi. Họ vẫn tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn để làm nên những chiếc cần xé đẹp, bền chắc. Chính vì thế, sản phẩm của HTX luôn được khách hàng ưa chuộng.
Theo lời ông Thành, ngoài đẹp, chữ tín trong làm ăn rất quan trọng. Vì vậy, khi doanh nghiệp đến đặt hàng, các thành viên trong tổ đều thực hiện đúng thời gian hợp đồng và bảo đảm chất lượng.