Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong sáng nay, 5/6. Các nhóm vấn đề mà Bộ trưởng giải trình bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông nhất là các dự án trọng điểm, đội vốn, chậm tiến độ; quản lý giao thông vận tải, phương tiện; đào tạo sát hạch, cấp thu hồi giấy phép lái xe…
Chất vấn Bộ trưởng Thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho biết hiện nhiều doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào các dự án giao thông, ví dụ như cao tốc Bắc – Nam. Dự án lớn thì thường mời gọi nhà đầu tư ngoại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và đưa ra giải pháp tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước tham gia.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) lại nêu kết quả kiểm toán 61 dự án BOT và sau đó Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm thu phí 222 năm.
"Sau đó Bộ GTVT và Bộ KHĐT có yêu cầu là Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông, lý do được giải thích là dự án của tư nhân, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các doanh nghiệp tư nhận", đại biểu cho biết và chất vấn: "Vì sao 2 bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Có lợi ích nhóm ở đây không?", đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Thể cho biết hiện vốn cho các dự án cao tốc đang rất khó khăn, bởi đây là các dự án lớn.
Bộ đang cho đấu thầu quốc tế, lập hồ sơ mời thầu để cố gắng thực hiện thu hút vốn từ nước ngoài. Bộ GTVT cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước liên danh để huy động vốn, thu xếp các nguồn vốn tín dụng tốt hơn.
Còn với câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Phương về kiểm toán các dự án BOT, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ GTVT và chủ đầu tư đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước và cả công an vào cuộc, không phải thông tin như dư luận nêu.
"Gần như 100% dự án BOT đã được kiểm toán. 222 năm mà đại biểu phản ánh trong kỳ trước đã được công bố thông tin. Nhà đầu tư triển khai xong thực hiện quyết toán. Theo quyết toán thực tế điều chỉnh, sau đó đưa vào thực tế. 222 năm là đúng với phê duyệt ban đầu, sau đó thực tế giảm", ông nói.