Natalie Jaresko, người phụ nữ 54 tuổi, đang là cái tên nổi nhất trong lĩnh vực tài chính ở Puerto Rico. Bà đang hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nợ của hòn đảo Caribbean này. Với kinh nghiệm của bản thân, Jaresko hiểu hơn ai hết về những rủi ro mà những chính phủ chìm trong nợ phải đương đầu.
Là người Chicago, Mỹ nhưng sống ở Ukraine trong 25 năm, Jaresko từng là đồng sáng lập của nhiều công ty cổ phần tư nhân. Sau đó, bà trở thành Bộ trưởng Tài chính, người giám sát việc tái cấu trúc nợ và chương trình của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho quốc gia này trong khi chiến tranh rút cạn tài nguyên của đất nước.
Năm 2017, bà Jaresko đồng ý chuyển tới Puerto Rico để lãnh đạo một Ủy ban giám sát liên bang với nhiệm vụ giảm 70 tỷ USD nợ quốc gia cũng như 50 tỷ USD nợ lương hưu. Vài tháng sau khi bà Jaresko tới, cơn bão Maria xé toạc hòn đảo, đánh sập hệ thống lưới điện của nó và làm hàng nghìn người thiệt mạng.
Trong cuộc trao đổi với Bloomberg, bà Jaresko đã chia sẻ về việc chính phủ và các nhà đầu tư nên nghĩ như thế nào về nợ và rủi ro.
Bà so sánh như thế nào về cuộc khủng hoảng tài chính ở Ukraine và Puerto Rico?
Dù thực tế rằng Ukraine có dân số gấp 10 lần so với Puerto Rico, thậm chí lớn hơn, nhưng hai nền kinh tế đều có khủng hoảng nợ lên tới 100 tỷ USD. Quy mô các khoản nợ rất giống nhau, lần lượt là 74 và 70 tỷ USD. Chính vì thế, có thể nói hai cuộc khủng hoảng này là tương đương. Tuy nhiên, bản chất của nợ là rất, rất khác nhau.
Tái cơ cấu nợ chủ quyền thường có chút linh hoạt hơn. Điều đó xảy ra ở Ukraine. Trong khi đó, Puerto Rico là vùng lãnh thổ của Mỹ nên có rất nhiều quy tắc, quy định và luật cần tuân thủ trong quá trình cơ cấu nợ. Chính bản thân núi nợ của Puerto Rico cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Có khoản nợ được đảm bảo, không được đảm bảo cũng như có sự khác biệt lớn về mức độ ưu tiên.
Cả Ukraine và Puerto Rico đều phải trải qua thảm họa. Đó là một cuộc nội chiến và một siêu bão với sức tàn phá khủng khiếp. Liệu những thảm họa này có tác động gì tới vào cuộc khủng hoảng?
Nó làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp chiến tranh, 20% GDP đã biến mất theo nghĩa đen. Trong trường hợp của Puerto Rico, hệ thống điện trên hòn đảo đã bị phá hủy. Đó là tình huống rất tồi tệ với nền kinh tế. Những thảm họa, biến mọi thứ tệ hại hơn gấp trăm lần dù vốn dĩ nó đã rất tệ.
Ngay cả khi Puerto Rico không còn nợ và cũng không có nghĩa vụ với lương hưu, nền kinh tế này vẫn là một cấu trúc lỗi. Trong nhiều năm, họ phải đi vay mượn khắp nơi để lấp đầy khoảng trống ngân sách. Thách thức để giải quyết là gì?
Puerto Rico cũng giống như nhiều trường hợp khác, chẳng hạn như ở Hy Lạp. Vì vậy, bạn phải đối mặt với hàng loạt thách thức tài chính. Một quốc gia chọn cách đi vay để chi tiêu thay vì đối mặt với những lựa chọn khó khăn nhằm đảm bảo một nền kinh tế ổn định hơn tạo ra nhiều thách thức cho quá trình giải quyết khủng hoảng nợ. Puerto Rico đã làm điều đó trong một thập kỷ hoặc hơn trong khi Ukraine đang làm điều đó.
Bà sinh ra ở Chicago, Mỹ những sống phần lớn cuộc đời trưởng thành ở Ukraine. Tại sao bà lại tới hòn đảo Caribbean?
Điều thu hút tôi đến Puerto Rico chính là cơ hội sử dụng kỹ năng và kinh nghiệm tôi có ở Ukraine. Tôi đã không chỉ hoàn thành tái cơ cấu nợ mà cả tái cân bằng tài khóa ngay cả khi quốc gia này đang phải trải qua chiến tranh, với nhiều khoản phải chi hơn cho quốc phòng.
Tôi lớn lên với niềm tin rất lớn vào hệ thống tài chính của Mỹ. Bà nội và bà ngoại tôi tới Mỹ với hai bàn tay trắng và sự chăm chỉ. Họ không biết chữ nhưng tôi có cơ hội học trường Harvard. Niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn là động lực của họ ở thời điểm đó. Niềm tin rằng Mỹ có thể mang lại cho mọi người một cuộc sống của tầng lớp trung lưu thực sự có tác động rất lớn trong tôi.
Tôi học ở trường Kennedy. Tôi tin vào câu nói "Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi xem bạn làm được gì cho đất nước". Tôi cũng tin rằng mô hình làm việc, nơi tầng lớp trung lưu mạnh, sẽ là trụ cột của dân chủ và là trụ cột của một ngân sách mạnh.
Những bài học ở Ukraine có thể giúp gì cho bà ở Puerto Rico?
Đừng lãng phí một cuộc khủng hoảng. Khi tầng lớp chính trị nhận thấy những nguy cơ của một cuộc khủng hoảng, đó là cơ hội để buộc phải thực hiện những bước đi khó khăn và tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ.
Bài học thứ 2 là bạn cần trở thành nhà vô địch. Mỗi cuộc cải cách đều cực kỳ khó khăn. Bạn cần một người truyền cảm hứng và truyền được cho mọi người nhận thức rõ sự cần thiết phải cải cách, không có thời gian để chần chừ.
Ai ở Puerto Rico đảm trách được vai trò truyền cảm hứng đó?
Khi nhìn vào nỗ lực cải cách ngành điện, tôi nghĩ rất nhiều quan chức đầu ngành và lãnh đạo ở hòn đảo này đã trở thành những người truyền cảm hứng. Họ nhận thấy và truyền đi thông điệp đây chính là cơ hội duy nhất để thực hiện thay đổi lớn với ngành điện. Chúng tôi cần sự tham gia nhiều hơn của lĩnh vực tư nhân. Nó thực sự là một sự thay đổi lớn trong suy nghĩ và cả trong xã hội.
Tham nhũng là một vấn đề lớn ở nhiều nơi, bao gồm cả Ukraine. Puerto Rico thì sao?
Đây đúng là vấn đề lớn ở Ukraine và cũng là vấn đề lớn ở Puerto Rico. Thật không may, pháp luật và hệ thống tư pháp của Ukraine chưa thể giải quyết được những vấn đề này. Ở Puerto Rico, hệ thống tòa án và luật pháp rất nghiêm ngặt. Những gì đang được xem xét ở Puerto Rico là những hợp đồng không minh bạch hóa.
Tuy nhiên, không giống như những bang ở Mỹ, bạn không thể truy lại được cách thực hiện các hợp đồng này hay việc mua sắm được tiến hành như thế nào.
Làm thế nào để Puerto Rico lấy lại được niềm tin của thị trường?
Câu trả lời hàn lâm là phát hành trái phiếu được giao dịch mạnh với mức giá tốt. Để điều đó có thể trở thành hiện thực, cần cung cấp dữ liệu tài chính kịp thời và chính xác, bao gồm cả số liệu kiểm toán. Còn câu trả lời thực tế là thị trường cần có xu hướng tin tưởng sau quá trình tái cấu trúc. Nếu niềm tin mang lại nhu cầu, những trái phiếu được miễn thuế sẽ thu hút người mua.
Liệu các nhà đầu tư có lỗi trong việc tạo ra khoản nợ khổng lồ của Puerto Rico?
Có những ý kiến cho rằng cả chính phủ và các nhà đầu tư đều có lỗi. Ở Ukraine, không có kiểm toán thường xuyên. Ở Puerto Rico, kiểm toán được tiến hành chậm. Tại sao các nhà đầu tư tài chính không yêu cầu những số liệu này trước khi chính phủ phát hành trái phiếu?
Ở Ukraine, tham những là vấn đề lớn và kéo dài. Mọi người đều biết điều đó. Ở Puerto Rico, tôi nghĩ mọi người đều biết rõ về thâm hụt thu – chi. Ở một mức độ nào đó, mọi nhà đầu tư đều biết họ đang mua gì.
Các quốc gia cần làm gì để tránh lâm vào khủng hoảng tài chính như ở Ukraine, Puerto Rico hay Hy Lạp?
Điều đầu tiên là không coi nợ là giải pháp duy nhất. Vay tiền để trang trải các chi phí vận hành luôn nguy hiểm. Vốn vay nên được dùng cho đầu tư dài hạn và có khả năng hoàn vốn. Thế giới luôn có những sự cạnh tranh mạnh mẽ. Các doanh nghiệp phải đứng lên và tiến lên. Mọi người cũng vậy. Một khi bạn đã mất niềm tin của người dân, sẽ rất khó để lấy lại.
Liệu hòn đảo có cần giảm thuế để hỗ trợ phát triển kinh tế?
Một hệ thống thuế cạnh tranh nhất khi bạn thu ít nhất và có hệ thống quản trị đơn giản. Tôi đã cố gắng thực hiện cải cách thuế lớn ở Ukraine nhưng chỉ một phần trong đó được thông qua.
Nếu chính phủ liên bang tiến lên và khôi phục một số đặc quyền về thuế, không ai lại từ chối. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chúng ta nên dựa vào chúng bởi vì chúng ta sẽ không phát triển được các phần khác của nền kinh tế và theo thời gian, nó sẽ không đáp ứng đủ.
Nếu bạn không có một lực lượng lao động có trình độ, được đào tạo tốt và phù hợp thì theo thời gian, đặc quyền về thuế sẽ trở nên không còn tác dụng.