Theo đó, không gian ngầm ưu tiên tập trung phát triển khu trung tâm (vùng lõi 930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đây là mô hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng ra các khu vực khác của TP.
Robot TBM đào ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ ga Ba Son đến ga Nhà hát TP.HCM. Tuyến ngầm dài 781 m, độ sâu 17 m.
“Định hướng không gian ngầm khu trung tâm sẽ tập trung phát triển chạy dọc theo các tuyến metro đang được xây dựng. Theo quy hoạch, TP sẽ có 8 tuyến metro xuyên tâm với hơn 73 km đoạn tuyến đi ngầm và hơn 72 nhà ga ngầm. Vì thế, việc khai thác không gian ngầm giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch chung phát triển TP nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, gia tăng diện tích cho giao thông ngầm, kết nối với các không gian tiện ích khác như đi bộ, thương mại” - ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cho biết.
Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại ngầm. Tuy nhiên, TP.HCM chưa có quy hoạch không gian ngầm nên việc xây dựng đường tàu điện ngầm, bãi đậu xe ngầm đang gặp nhiều khó khăn do khi thi công đụng phải nhiều hệ thống ngầm như cáp điện, đường ống nước, cáp viễn thông…
Ngoài ra, với số dân lên tới 13 triệu người, chưa kể nhiều dân vãng lai đến từ các tỉnh lân cận, TP.HCM đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh, quỹ đất nội thành ngày càng cạn kiệt, ùn tắc giao thông liên tục gia tăng. Vì vậy, TP.HCM đang lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm để mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại nằm dưới lòng đất, qua đó giảm áp lực kẹt xe, đáp ứng tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng như hiện nay.