Với mong muốn lắng nghe và giải quyết kịp thời các tâm tư, nguyện vọng của người dân, trong chương trình Livestream "Dân hỏi – Thành phố trả lời" tối nay (6/9), Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã trực tiếp chia sẻ thông tin với người dân về những định hướng, kế hoạch của Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9.
Bao giờ thì TP HCM mới nới lỏng giãn cách?
Tại buổi livestream, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi đã giải câu hỏi của người dân liên quan đến thời gian giãn cách xã hội. Ông cho biết đây là câu hỏi không chỉ của riêng thành phố mà còn là câu hỏi của cả nước và bạn bè quốc tế.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP HCM đã phải thực hiện các biện pháp cách ly, hạn chế di chuyển, kinh doanh, sản xuất để phòng chống dịch Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, sản xuất cũng như tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay, nguyên nhân thành phố kéo dài thời gian giãn cách, thế nhưng tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn mãi không được cải thiện là do 2 yếu tố.
Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, biến chủng Delta là một chủng virus vô cùng phức tạp, có tốc độ lây lan nhanh, kể cả thế giới lẫn Việt Nam chưa hiểu hết về chủng virus này. Do đó, việc ứng phó của thành phố đôi lúc chưa kịp thời. Thế nhưng, sau khi đã có được những thông tin cơ bản về quy luật lây nhiễm của virus, thành phố cũng đã được đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp giãn cách.
Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận có một số địa bàn làm chưa nghiêm việc giãn cách, dẫn đến việc lây lan dịch bệnh; hoạt động xét nghiệm một số nơi làm chưa tốt, việc xét nghiệm bóc tách F0 làm chưa triệt để cũng đã khiến thời gian giãn cách bị kéo dài.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động giãn cách và xét nghiệm và bóc tách F0 đã nghiêm hơn, khẩn trương hơn và đã có những chuyển biến tích cực. Theo ông Mãi, nếu thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp tập trung hơn, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn thì sẽ cải thiện được tình hình trong thời gian sắp tới.
Còn việc thành phố sẽ giãn cách đến khi nào, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố vẫn sẽ tiếp tục giãn cách cho đến khi kiểm soát được tình hình, phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, chứ không thể nói trước được về mốc thời gian cụ thể.
2 điều chỉnh về kế hoạch nới lỏng sau 15/9
Theo ông Mãi, giãn cách, xét nghiệm, điều trị, giảm tử vong, đảm bảo an sinh xã hội, tiêm vaccine là những hoạt động thành phố đang khẩn trương làm để đến ngày 15/9 có thể thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Nếu đến 15/9 đạt mục tiêu đó thì sau 15/9 TP.HCM sẽ có lộ trình nới lỏng giãn cách. TP đang đánh giá và chuẩn bị phương án để nếu 15/9 đạt các mục tiêu đề ra thì thành phố sẽ có phương án nới lỏng giãn cách.
Về câu hỏi làm thế nào để kiểm soát ca nhiễm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thứ nhất, khi phát hiện F0 thì phải kịp thời xem xét điều trị. Khi có triệu chứng, người dân phải được sơ cấp cứu ngay để giảm tử vong và tập trung tiêm vaccine để sau khoảng thời gian 14 ngày, người tiêm sẽ có kháng thể. Khi đó, người bệnh ít khả năng chuyển nặng và tử vong sẽ ít đi.
"Đó là việc thành phố đang tập trung làm để kiểm soát ca nhiễm, ngăn chuyển nặng và tử vong", ông Mãi nói.
Về việc mở giãn cách, ông cho biết thành phố dựa trên nguyên tắc an toàn, an toàn đến đâu mở đến đó. Do đó, thời gian tới, người dân thành phố phải sống trong điều kiện có dịch bệnh. Với sự chuẩn bị càng kỹ, TP sẽ theo tình hình thực tế để mở từng bước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân và bảo vệ kinh tế - xã hội.
Ông Mãi cho biết, từ nay đến 15/9, TP.HCM sẽ tiếp tục các biện pháp như từ 23/8 đến nay. Tuy nhiên, có 2 điều chỉnh. Thứ nhất, hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng được mở đến xã phường thị trấn. Ở vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ. Ở vùng xanh, người dân có thể đi chợ 1 lần/tuần và khuyến khích người đã tiêm vaccine, có kháng thể nên là người đi chợ.
Sẽ mở cửa nhiều hoạt động nếu an toàn
Về câu hỏi mở chợ lại, ông Mãi cho biết từ nay đến 15/9, TP chưa có kế hoạch này nhưng sẽ mở lại 2 điểm trung chuyển ở 2 chợ đầu mối là Bình Điền và Hóc Môn. Bằng hệ thống vận chuyển an toàn, thành phố sẽ đưa hàng hóa đến các siêu thị trong thành phố.
Ngoài ra, từ nay đến 15/9, những vùng xanh sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau 15/9, nếu tình hình chuyển biến tốt, TP sẽ cân nhắc mở ra khá nhiều hoạt động với địa bàn, ngành nghề an toàn và người tham gia an toàn. Ví dụ, hoạt động thương mại điện tử, shipper, kinh doanh bưu chính, sản xuất lương thực thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, công trường, cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng,...
Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cho biết thời điểm nào được mở thì tùy vào kết quả của diễn biến dịch. Dự kiến, nếu quản lý được người tham gia an toàn, cung đường an toàn, hoạt động an toàn, sau 15/9, TP sẽ mở rộng các hoạt động thương mại điện tử, sản xuất trang thiết bị cho ngành y tế, sản xuất lương thực, thực phẩm, công trình xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng.
"Chúng ta mở theo kết quả kiểm soát dịch bệnh", ông nhấn mạnh.