Ông Lê Thanh, 61 tuổi, ở làng biển Mỹ Thủy của xã Hải An, huyện Hải Lăng, có 6 con người sinh sống trong mái nhà cấp bốn xập xệ. Nhà ông Thanh cách khu đất quy hoạch xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy tầm 200m. Ông Thanh cho biết, họ làm lễ khởi công xây dựng rầm rộ, rồi để hoang đã 2 năm rồi.
Không phải riêng dự án này, nhiều dự án khác trong Khu Kinh tế Đông Nam cũng vậy. Hậu quả, địa phương không có nguồn kinh phí đền bù để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân, còn dân phải sống trong cảnh quy hoạch treo suốt nhiều năm mà không được giải quyết.
Người dân vùng biển 2 xã Hải An, Hải Khê buộc phải bỏ hoang nhà cửa, đầm hồ nuôi tôm bởi vướng quy hoạch
“Đi không được, ở không xong, là tình cảnh nhiều gia đình 2-3 thế hệ những năm qua phải sống chen chúc trong ngôi nhà cấp 4 chật hẹp đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không được phép cải tạo, cơi nới ở vùng Hải An này. Con cái lấy vợ, lấy chồng có nhu cầu ra riêng làm nhà mới cũng không được. Phần lớn đất đai, ao hồ phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trước đây, nhiều năm qua phải bỏ hoang, do vướng phải quy hoạch, bà con không ai dám mạo hiểm đầu tư”, ông Thanh nói.
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị Phạm Ngọc Minh cho hay, riêng trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị cũng như các sở, ngành, UBND tỉnh rất nhiều lần mời nhà đầu tư làm việc, đôn đốc, yêu cầu thực hiện đúng tiến độ dự án như đã cam kết, song họ hết lần này đến lần khác, chỉ hứa trên giấy mà không làm.
Chúng tôi đến khu vực cách đây 2 năm, nơi mà vào ngày 27/2/2020, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi công hoành tráng để xây dựng công trình Khu bến cảng Mỹ Thủy, song đến nay (20/3/2022) nơi đây vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Đối diện khu đất rộng lớn, cách bởi con đường chạy dọc biển là những hồ nuôi tôm của người dân để hoang hóa cỏ mọc um tùm.
Chủ tịch UBND xã Hải An, ông Lê Bá Phước cho hay, hậu quả của dự án treo, quy hoạch treo sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. Hậu quả của nó không đơn giản là sự kéo lùi phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, mà sẽ tạo ra nhiều bất ổn khác, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự.
Tìm hiểu của PV Tiền Phong cho thấy, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt thành lập Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị. Đây được coi là khu kinh tế lớn nhất ở tỉnh này với diện tích gần 24 ngàn ha, bao gồm 17 xã ven biển thuộc 3 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh.
Ngay sau khi có quyết định phê duyệt diện tích, địa điểm quy hoạch, người dân ở đây không được phép cải tạo, cơi nới, xây mới các công trình dân dụng; các diện tích đất đai phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp sau kiểm tra, thống kê, nếu đầu tư dài hạn (xây dựng chuồng trại, ao hồ…) sẽ không được đền bù khi thu hồi giải phóng mặt bằng…
Đối với dự án xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, sau nhiều lần mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận cho Cty Cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy đầu tư xây dựng dự án này. Quy mô dự án rộng 685 ha gồm 10 bến và được phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2018 - 2025 đầu tư 4 bến với tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 cần đầu tư 4.946 tỷ đồng.
Đáng nói, việc xây dựng dự án với nguồn vốn lớn này, những năm qua xem ra chỉ là những dự định, khát khao trên… giấy của nhà đầu tư .