Những ngày cuối năm, cũng là lúc nhiều người dân ở làng chài Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bước vào mùa hái rong mứt. Thứ rong đen đen mọc đầy ghềnh đá, được người dân ví là "lộc biển".
"Đội sóng" trên ghềnh đá chênh vênh để hái rong mứt
Hàng năm khi tiết trời chuyển sang thời điểm mưa lạnh, giá buốt (khoảng cuối tháng 10 âm lịch), cũng là lúc mùa đi hái rau rong mứt biển của người dân sống ở đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được bắt đầu.
Rong mứt được người dân ở đây gọi ví là "lộc trời" vì chỉ mọc tự nhiên trên ghềnh đá chênh vênh. Đây cũng là thời điểm biển động nên việc hái rong rất nguy hiểm, muốn hái được phải chịu rét và "đội sóng" trong suốt nhiều giờ đồng hồ.
Khoác trên người chiếc áo mưa tiện lợi, bà Nguyễn Thị Tám (51 tuổi, trú thôn Xuân Trung, xã Tam Quang) cùng những người khác trong làng tiến về ghềnh đá ở đảo Tam Hải để bắt đầu một ngày đi hái rong mứt với nhiều hy vọng.
Với đôi tay trần cùng chiếc rổ nhỏ, bà Tám thoăn thoắt bứt những thân rong đen óng, nhơn nhớt bám chặt trên ghềnh đá trơn trượt. Lâu lâu lại có con sóng lớn đột ngột xô mạnh vào ghềnh đá khiến bà Tám nép người vì lạnh và vội lui chân về phía bờ...
"Nghề này sống chết cận kề, rong thường mọc ở ghềnh đá nên đi hái phải trông chừng sóng và nhắc nhở lẫn nhau. Đừng ham rong mà quên con sóng dữ, chỉ cần sơ sẩy là bị sóng lôi xuống biển, mất mạng như không", bà Tám chia sẻ.
Cũng hái rong gần đó, bà Huỳnh Thị Thiểu (56 tuổi, trú thôn Thuận An) cho biết từng sinh ra và lớn lên tại làng chài Tam Hải nên từ nhỏ đã theo chân mẹ ra biển làm công việc này. Sau này lớn lên, bà thì đi hái cùng chị em trong xóm.
Nhìn đơn giản, nhưng để đi hái được "lộc biển" thì không phải ai cũng kiên trì, đủ sự chăm chỉ để làm nghề này. Hành trình hái rong mứt thường bắt đầu từ 3-4h và đối mặt với nhiều rủi ro khi phải ngồi hàng giờ liền trên các rạn đá đầy rong, rêu trơn trượt, sóng đánh cao đến tận đầu.
"Công việc hái rong mứt phải tùy vào con nước, thường diễn ra khi nước thủy triều ở khu vực các gành đá bắt đầu rút xuống, đến khi nào thủy triều dâng lên lại thì về, nên phải thức dậy sớm để ra biển cho kịp lúc. Nếu tối quá thì mang theo đèn pin, đeo trên đầu để soi. Ngày hái từ sáng đến trưa, tôi cũng được dăm lạng rong, cũng đủ thu nhập qua ngày mưa gió", bà Thiểu chia sẻ.
Bà Thiểu cũng cho biết thêm, đồ nghề để hái rong biển cũng khá đơn giản, họ thường dùng tay để hái và để thu hoạch mứt vào lúc sáng sớm, cần phải mặc áo mưa để chống lại giá rét, sương sớm của biển.
Trong khi đó thì các ghềnh đá thường trơn trượt, người đi hái mứt phải mang những đôi dép có độ bám cao, mang áo phao để hạn chế trầy xước hoặc rơi xuống biển khi cạo rong.
Kiếm thêm thu nhập mùa biển động
Đối với phụ nữ làng chài, dù mùa rong biển chỉ kéo dài vài ba tháng (bắt đầu xuất hiện khoảng cuối tháng 10 âm lịch và hết dần vào cuối tháng giêng) nhưng ai cũng coi đó là nghề mưu sinh chính.
Bà Nguyễn Thị Xích (57 tuổi, trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) cho biết, những năm gần đây, giá rong mứt biển rất cao, dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg. Cũng chính vì được giá nên số lượng người trong xã đi cạo rong mứt biển ngày càng nhiều, thậm chí thu hút người dân các xã lân cận cũng tìm đến hái.
Nếu chịu khó và thời tiết ủng hộ thì chỉ cần vài giờ đồng hồ, người dân có thể kiếm được vài trăm nghìn chi tiêu trong mùa biển động. Còn ai may mắn hơn thì sau một mùa mứt, họ có thể thu nhập lên đến vài chục triệu đồng.
"Hôm nay tôi hái từ 4h-10h, được tầm một kg rong mứt. Những người giỏi hơn có thể hái từ 1,5-2 kg bán được gần 500.000 đồng. Nếu người nào có nhiều con cái theo phụ thì kiếm được gần một triệu đồng. Có người một mùa mứt có thể kiếm từ 20-30 triệu đồng", bà Xích chia sẻ.
Rong mứt ở thôn Thuận An (xã Tam Hải) là sản vật quý của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều người coi rong mứt là sâm biển. Hiện nay, rong mứt không chỉ bán cho những người dân hay du khách đến chơi đảo mà còn làm quà gửi đến bà con ở nước ngoài.
Ông Mai Lương Quang (53 tuổi, trú thôn Thuận An, xã Tam Hải), người có kinh nghiệm trong việc chế biến rong mứt cho biết, sản phẩm này ở đây rất sạch, có vị mặn đặc trưng của biển. Rong tươi và khô đều dùng nấu canh hoặc làm gỏi rất ngon.
Rong mứt sau khi thu hoạch sẽ được người dân rửa qua nước biển, rồi rửa thêm 2 lần nước ngọt, sau đó được đem bán tươi hoặc phơi khô tùy thời tiết, giá cả. Sợi mứt càng dài, càng óng và dày thì giá càng cao.
"Giá của rong mứt biển tươi dao động tùy theo mùa ít hay nhiều và chất lượng mứt. Còn đối với mứt hong khô tự nhiên và được chế biến thành sản phẩm có giá từ 2-3 triệu đồng/kg. Trung bình một năm gia đình tôi bán được 10kg rong khô thu nhập từ 20-30 triệu đồng", ông Quang cho biết.
Sau những lần hái rong mứt biển, người dân làng chài trở lại sinh hoạt bình thường, người già thì trông nhà, giữ cháu, người trẻ thì đưa rong mứt đi bán. Cứ thế lặp đi lặp lại cả trăm năm nay nhưng với họ công việc chưa bao giờ là nhàm chán. Bởi sau mỗi mùa rong mứt, người dân lại tràn đầy hy vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn...
Một số hình ảnh về công việc của người dân khi hái rong mứt:
(Theo Dân trí)