"Phân tích" những dấu hiệu về cuộc trấn áp tiếp theo
Để tìm kiếm dấu hiệu về nỗi ám ảnh trị giá 50 tỷ USD với việc phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc, bạn hãy nhìn vào mạng xã hội Tiểu Hồng Thư. Đây là một nền tảng nơi phụ nữ trẻ ở khắp Trung Quốc chia sẻ về những mẹo làm đẹp, cùng dòng hashtag #PreAndPostOp (tạm dịch: ảnh trước và sau) với hơn 290.000 bài đăng về phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư cho thấy việc người trẻ Trung Quốc "dao kéo" để trở nên hoàn hảo có thể đang gặp rủi ro, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực tái định hình môi trường văn hóa và kinh doanh trong mục tiêu "thịnh vượng chung".
Kể từ đầu tháng 7, vốn hóa của 3 công ty thẩm mỹ niêm yết lớn nhất nước này đã giảm 1/3. Theo đó, hơn 17 tỷ USD đã bị "thổi bay", dù hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được ưa chuộng.
Ngân hàng đầu tư Citic ước tính, doanh thu của thị trường y học thẩm mỹ Trung Quốc đạt hơn 330 tỷ NDT (51 tỷ USD) vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng ngành này có thể chịu đòn giáng mạnh, nếu Bắc Kinh kết luận đây là lĩnh vực có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội như ngành dạy thêm và game online.
Cổ phiếu các công ty thẩm mỹ của Trung Quốc lao dốc.
Mark Tanner - giám đốc điều hành của công ty marketing China Skinny, cho biết: "Rất có thể, chúng ta sẽ lại chứng kiến một ngành khác ‘biến mất’."
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích ngành này vì cổ súy cho tư tưởng thần tượng hóa vẻ bề ngoài và khiến những người trẻ tuổi vốn đã tự ti về ngoại hình càng trở nên thất vọng.
Trong một bài bình luận được đăng tải hôm 14/9, tờ People’s Daily cảnh báo rằng hoạt động quảng cáo của ngành phẫu thuật thẩm mỹ đã "vượt quá giới hạn quy định". Tờ này cho hay, những nội dung quảng cáo có ảnh trước và sau khi phẫu thuật của người nổi tiếng có mục đích "thu hút khách hàng" và đề xuất "quy định tiêu chuẩn hóa cho ngành này ngay lập tức."
Tanner - nhà phân tích kỳ cựu về lĩnh vực làm đẹp Trung Quốc, nhận định, nhiều người sẽ đón nhận cuộc trấn áp này một cách tích cực. Ông nói: "Nếu tất cả mọi người đều không quá hoàn hảo, thì bạn sẽ không phải chịu nhiều áp lực để dùng số tiền tiết kiệm trong nhiều năm để ‘dao kéo’."
Nhà đầu tư sợ hãi tháo chạy
Nhà đầu tư đang đứng ngồi không yên khi các quan chức y tế lo ngại về số ca phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp đang tăng lên. Đó là những trường hợp xảy ra ở thẩm mỹ viện không có giấy phép. Theo đó, Bắc Kinh đã chỉ trích về tình trạng "tự ti với ngoại hình" và "người trẻ tuổi đi phẫu thuật thẩm mỹ".
Hiện tại, nhà đầu tư đang truy tìm mục tiêu tiếp theo của cuộc trấn áp công nghệ, họ cho rằng đó là So-Young. Đây là ứng dụng niêm yết trên sàn Nasdaq cho phép người dùng đánh giá các đặc điểm trên khuôn mặt, sau đó lên kế hoạch chỉnh sửa và tìm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Tỷ lệ bán khống của So-Young so với tổng số cổ phiếu đang lưu hành đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Giá cổ phiếu của công ty này giảm xuống mức thấp kỷ lục, mất hơn 1 nửa giá trị trong năm nay.
Brock Silvers - CIO của Kaiyuan Capital, nhận định: "Việc thị trường thận trọng là điều hợp lý". Ông cho biết, đà hồi phục không như mong đợi của chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc trong năm nay đã kìm hãm đà tăng của cổ phiếu các công ty phẫu thuật thẩm mỹ. Hơn nữa, những tín hiệu mới nhất từ Bắc Kinh "không báo trước triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn."
Giá trị của ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh.
Giới chức Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm không hài lòng về tiêu chuẩn cái đẹp của giới trẻ. Go Youn-jung - nữ diễn viên Hàn Quốc, là hình mẫu nổi tiếng để người trẻ chỉnh sửa khuôn mặt. Những bức ảnh trước và sau khi phẫu thuật của nam giới thường có nét giống các thần tượng Hàn Quốc. Đây là điều giới truyền thông nước này đã chỉ trích, vì làm giảm sự nam tính của người Trung Quốc.
Trong khi đó, một số người trẻ chia sẻ về việc ủng hộ sự thay đổi của ngành này. Một người dùng Weibo có tên Camry cho hay: "Ngành giáo dục đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Hãy đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn với ngành phẫu thuật thẩm mỹ."
Cuộc trấn áp của cơ quan quản lý có thể khiến sự bành trướng nhanh chóng của ngành này thụt lùi và đảo lộn kỳ vọng về sự tăng trưởng vượt bậc. So-Young là ứng dụng được tải xuống hơn 400 triệu lần tại Trung Quốc kể từ khi ra mắt vào năm 2014, theo Qimai Data.
Dù chưa có con số chính thức về giá trị, nhưng các nhà phân tích trong ngành đều cho biết lĩnh vực này đã phát triển với tốc độ chóng mặt và nhiều người dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục.
Một báo cáo công bố hồi tháng 1 của Deloitte cho thấy, ước tính giá trị của các doanh nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép ở Trung Quốc sẽ vượt 3.000 tỷ NDT vào năm 2023, tăng hơn 50% so với năm 2020 và hơn 10 lần so với năm 2021. Trong khi đó, theo Citic, nếu tính cả các doanh nghiệp không có giấy phép, ngành này có thể đạt giá trị hơn 1 nghìn tỷ NDT vào năm 2030.
Tuy nhiên, khi có nhiều dự đoán cho rằng các cơ quan quản lý sẽ can thiệp sâu rộng vào ngành này, sự lo ngại của nhà đầu tư đã lan rộng ra bên ngoài thị trường công. Họ chần chừ khi rót tiền vào các quỹ đầu tư cổ phiếu - thường rất tích cực "ném tiền" vào các startup phẫu thuật thẩm mỹ.
Tham khảo Financial Times