Ông Phú cho rằng, việc ghi xuất xứ Trung Quốc là lỗi của siêu thị, do siêu thị dán lên chứ không phải Sunhouse. Sau khi nắm được thông tin này, Sunhouse đã có công văn yêu cầu siêu thị có sản phẩm trên phải sửa lại nguồn gốc xuất xứ.
Về việc dán logo HVNCLC, vị chủ tịch này lại “đổ lỗi” cho truyền thông nội bộ nên Sunhouse nhận giải HVNCLC ngành hàng kim khí gia dụng nhưng... “dán nhầm” sang cả nhóm nồi cơm. Việc sai này chỉ ở 1 số mã hàng trong nhóm hàng nồi cơm điện.
Ông Phú cũng cho biết, việc dán logo này không thuộc danh mục cơ quan nhà nước nào quản lý cả. “Nếu sai thì là cái sai của Sunhouse với người dùng. Những gì sai với người dùng thì tôi chịu trách nhiệm trước người dùng. Sunhouse có lỗi với người dùng và sẽ hoàn lại tiền nếu khách hàng nào mua phải sản phẩm bị nhầm lẫn đó mà thấy bất tiện”, vị lãnh đạo Sunhouse cho hay.
Ngày 26/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tùng - Giám đốc Marketing của Tập đoàn Sunhouse cho hay, trước hết, doanh nghiệp (DN) đã được Hội DN HVNCLC trao chứng nhận DN đạt danh hiệu HVNCLC liên tiếp các năm từ 2014 đến 2019 ngành kim khí gia dụng.
Theo ông Tùng, đơn vị đã nộp hồ sơ nhà máy ở Quốc Oai (chuyên sản xuất đồ gia dụng) theo các tiêu chí bình chọn, ban tổ chức xác minh thông tin phản hồi từ các cơ quan quản lý kinh doanh địa phương mà DN đăng ký, từ giới truyền thông và người tiêu dùng rồi mới xét chọn, trao chứng nhận. Quá trình này mất vài tháng.
“Khi nhận được chứng nhận HVNCLC ngành kim khí gia dụng, bộ phận truyền thông của chúng tôi nghĩ rằng áp dụng được cho cả sản phẩm nồi cơm sản xuất tại Việt Nam bởi thực chất nồi cơm điện có phần kim khí (lòng nồi, mâm nhiệt…). Do vậy chúng tôi đã dán logo HVNCLC lên các sản phẩm này”, ông Tùng lý giải.
Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh, ông Tùng cho biết đã gửi công văn tới Hội DN HVNCLC ngày 24/6 để xin ý kiến chỉ đạo về việc áp dụng cho nồi cơm điện đúng hay sai? Nếu sai công ty sẽ tiến hành gỡ bỏ theo yêu cầu của hội. Đến nay, theo ông Tùng, công ty vẫn chưa nhận được phản hồi.