Quả ngọt cho ngân khố, trái đắng cho người tiêu dùng
Trong cuộc phỏng vấn ngày 12/5, ông Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Trump, nhấn mạnh rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ không thể vô can trong cuộc chiến thương mại leo thang. Ông Kudlow lên tiếng sau khi vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, khiến Tổng thống Trump nâng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và triển khai quy trình đánh thuế lượng hàng hóa còn lại.
Những gì mà ông Kudlow nói hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông chủ Nhà Trắng về cuộc chiến thương mại. Tổng thống Donald Trump cho rằng các khoản thuế quan mà ông đưa ra sẽ mang về hàng tỷ USD cho Ngân khố và Trung Quốc chính là người phải trả.
"Trên thực tế, cả hai bên đều phải trả tiền. Cả đôi bên sẽ cũng phải chịu đựng nỗi đau từ đó", ông Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Cố vấn hàng đầu của ông Trump đã thừa nhận nỗi đau kinh tế, điều mà các nhà kinh tế học nhắc đến từ lâu. Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cho rằng cuộc chiến thương mại rất dễ để Mỹ giành chiến thắng và người Mỹ sẽ chịu nỗi đau bất tương xứng hơn nhiều so với các đối tác thương mại của mình.
Tuy nhiên, cả ông Kudlow và Tổng thống Trump đều nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại kéo dài cuối cùng cũng chỉ phục vụ những lợi ích tài chính của Mỹ. "Bất cứ nỗi đau nào cũng đáng giá nếu nó buộc Trung Quốc đối xử công bằng hơn với các công ty Mỹ", Kudlow nhấn mạnh.
Theo cố vấn cấp cao của ông Trump, Chính quyền đang làm những gì phải làm. "Chúng tôi đã có mối quan hệ thương mại bất công bằng suốt những năm qua. Theo đánh giá của tôi, hậu quả kinh tế này là rất nhỏ nếu nó cải thiện thương mại và xuất khẩu cũng như mở ra một thị trường rộng lớn cho Mỹ. Đó là điều đáng làm", Kudlow nói.
Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đột ngột chuyển hướng khi phía Mỹ cáo buộc Trung Quốc cố tình đảo ngược tiến trình với một số điều khoản, bao gồm cả việc đồng ý thay đổi các quy định trong luật pháp Trung Quốc. Cuộc đàm phán cấp cao ở Washington diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Điểm đáng chú ý nhất trong 2 ngày họp 9 và 10/5 là Mỹ và Trung Quốc đồng ý tiếp tục thực hiện các cuộc đàm phán. Ông Kudlow cũng nói rằng Tổng thống Trump có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại đăng đàn cho biết ông sẽ cảm thấy vui nếu giữ mức thuế này "vô thời hạn".
Ông Trump tin rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đang hỗ trợ ông trong việc leo thang cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, đó rõ ràng là một canh bạc kinh tế, một trò chơi nguy hiểm có thể gây ra những thiệt hại lâu dài. Chưa ai có thể nói trước được những thiệt hại. Nó tùy thuộc vào việc ông Trump sẵn sàng "chơi lớn" đến đâu.
Trong dòng thông điệp ngày 12/5, ông Trump nhấn mạnh Mỹ "đang ở đúng nơi mà người Mỹ muốn trong mối quan hệ với Trung Quốc" đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ có hàng chục nghìn tỷ USD từ các khoản thuế mà Trung Quốc phải trả.
"Nỗi đau" được đồng thuận
Ở thời điểm này, các nhà kinh tế đang rất bất đồng về mức độ chiến tranh thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết họ lại đồng ý rằng thuế sẽ được đổ lên đầu người dân và doanh nghiệp Mỹ dưới dạng giá thành sản phẩm, nguyên liệu tăng cao. Những thứ nằm trong diện tăng thuế từ 10 lên 25% gồm có máy tính, giấy về sinh, vòng cổ chó, đèn cây thông Noel và đệm, những thứ phần lớn người Mỹ phải dùng.
Theo các nhà dự báo, mức thuế mới sẽ không khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhưng nó ảnh hưởng đến tăng trưởng. Nếu tổng thống Trump quyết theo đuổi kế hoạch áp thuế 100% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Năm 2018, Mỹ nhập khẩu 540 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chad Bown, chuyên gia về thương mại tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, nhấn mạnh: "Ông Trump đang tạo ra một quan niệm sai lầm nguy hiểm vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến thuế quan nhằm vào Trung Quốc. Cuối cùng, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ lại là những người phải trả tiền".
Có nhiều số liệu hỗ trợ cho những nhận định này. Theo nghiên cứu của Đại học Columbia, những khoản thuế mà Chính quyền Trump đưa ra năm ngoái đã làm giảm thu nhập điều chỉnh lạm phát của người tiêu dùng Mỹ ở mức 4,4 tỷ USD trong mỗi tháng kể từ tháng 11. Sự mất mát này bắt nguồn từ các khoản thuế, khiến mỗi hộ gia đình mất 419 USD mỗi năm. Khoản thuế mới này có thể khiến mỗi hộ gia đình phải chi thêm tới 800% mỗi năm vì hàng hóa đắt.
Ông Trump và các cố vấn của ông khẳng định rằng cách tiếp cận này cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ thông qua việc thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường và đối xử công bằng hơn với các công ty Mỹ hoặc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển nhà máy tới Mỹ để giảm thuế quan.
Thực tế, quyết định kéo dài cuộc chiến thương mại có thể thúc đẩy các dự báo kinh tế cho thấy việc tuyển dụng, tăng trưởng và đầu tư mạnh mẽ hơn trong năm nay một phần là vì những lo ngại mờ nhạt về cuộc chiến thương mại kéo dài. Nó có thể giúp Mỹ có mức tăng trưởng năm 2019 là 3,2%, cao hơn nhiều so với gì người ta mong đợi.
"Dẫu vậy, hoàn toàn không ai đặt câu hỏi rằng những mức thuế này, nếu được áp dụng và duy trì, sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái như thế nào. Nó khiến cho mọi người dễ bị tổn thương hơn", ông Rob Martin, cựu giám đốc bộ phận của FED, chia sẻ.
Martin và các đồng nghiệp của ông tại UBS ước tính rằng mức thuế mới của ông Trump có thể làm giảm 0,25 đến 0,35% GDP của Mỹ trong 6 tháng. Nếu phần hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc bị đánh thuế, nó có thể gây thiệt hại lên tới 1% từ GDP Mỹ.
"Nếu thực sự Mỹ đánh thuế lượng hàng hóa còn lại, chúng ta sẽ bước vào khu vực chưa được khám phá. Các sản phẩm nằm trong danh mục đó chiến 2/3 lượng hàng tiêu dùng của người Mỹ. Đó có thể là đồ chơi, xe đạp hay iPhone, những thứ khó có thể tìm được sản phẩm thay thế một cách nhanh chóng", Martin nói.
Một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã chậm lại trong nửa cuối năm ngoái một phần vì thuế quan làm tổn thương các niềm tin kinh doanh. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã rót hàng trăm tỷ USD vào hệ thông tài chính và yêu cầu các ngân hàng nhà nước mở rộng tín dụng. Kết quả là trong tháng trước, kinh tế Trung Quốc tăng 6,4% trong quý 1, tương đương quý trước đó.
Rõ ràng, ông Trump biết vấn đề của Trung Quốc và muốn gây sức ép với Bắc Kinh. Trong một đoạn tweet, ông Trump cảnh báo rằng một thỏa thuận thương mại sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu Trung Quốc phải đàm phán trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông.