Trong một thông báo mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết đã tạm dừng hoạt động mua vàng vật chất từ các định chế trong nước kể từ ngày 15/03/2002. CBR cũng không công bố thời gian kết thúc hiệu lực của văn bản. Động thái này diễn ra 1 ngày ngay sau khi nước này tuyên bố thay đổi cách tính tỷ giá đồng rúp so với đô la Mỹ để ổn định thị trường tài chính của nước này.
Ngân hàng Trung ương Nga giải thích, hành động này nhằm đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân tăng lên, sau khi nước này tuyên bố gỡ bỏ thuế VAT đối với người mua vàng. Được biết, thuế VAT trước đó tới gần 20%.
Theo các chuyên gia từ VTB - một trong những ngân hàng lớn nhất nước Nga, hành động của NHTW Nga là khá hợp lý vì tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc gia đã tăng từ 21% lên 40%.
Trước đó, theo một số báo cáo, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm đóng băng gần 300 tỷ USD trong số 640 tỷ USD dự trữ của Nga.
"Với mục tiêu đa dạng nguồn dự trữ quốc gia, việc tăng cường tích trữ vàng vào thời điểm này là không hợp lý", nhóm chuyên gia VTB nhận xét.
Nhận định này có phần ngược lại với động thái vào cuối tháng 2 vừa qua của Ngân hàng Trung ương Nga. Theo đó, ngân hàng này tuyên bố sẽ nối lại hoạt động mua vàng sau 2 năm duy trì dự trữ đi ngang. Cùng thời điểm trên, NHTW Nga cũng tuyên bố tăng lãi suất từ 9,5% lên 20%. Các hành động này của NHTW Nga được giới chuyên gia đánh giá là nhằm bảo vệ hệ thống tài chính nước này.
Nhóm phân tích của VTB cũng cho biết thêm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Nga đã cải thiện hơn so với mấy ngày trước, hiện chỉ còn thâm hụt khoảng 36 tỷ USD, giảm một nửa so với mức thiếu hụt trước đó.
Theo thông báo từ CBR vào ngày 02/03, mức thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nước này đã tăng từ 5.400 tỷ Rúp lên 6.900 tỷ Rúp (tương đương với khoảng 68,25 tỷ USD). Thông báo trên được đưa ra sau khi nước này chứng kiến cảnh người dân đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền.
Trong một diễn biến khác, mới đây, để ngăn chặn các giao dịch vàng quốc tế của Nga, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã đề xuất gia tăng trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân, hay tổ chức tham gia giao dịch hoặc vận chuyển vàng với Ngân hàng Trung ương Nga, bất kể bằng hình thức nào. Giới phân tích cho rằng nếu dự luật này được thông qua, số vàng dự trữ gần 132 tỷ USD (ước tính theo giá thị trường) của Nga gần như sẽ bị "đóng băng".
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Liên minh Châu Âu, tuyên bố trên Twitter ngày 09/03 rằng châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt lên Nga và các đồng minh của nước này. Lần này là nhằm vào 160 cá nhân thuộc giới tài phiệt và chính trị gia Nga, hệ thống ngân hàng Belarus, việc xuất khẩu công nghệ định vị hàng hải của Nga và cả các tài sản ảo. Bà Ursula cũng cho biết châu Âu cũng đang chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ tư nhằm vào Nga.
Có thể thấy, căng thẳng Nga và Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây nhằm vào Nga vẫn chưa dừng lại. Bên cạnh đó, Nga vẫn đang phải tăng cường nhiều biện pháp tăng cường bảo vệ hệ thống tài chính kinh tế của mình.
Cập nhật lúc 8h20 ngày 16 tháng 3, giá vàng thế giới mua vào ở mức 1.924 USD/Ounce, và bán ra ở mức 1.925 USD/Ounce, tăng 0,28% so với phiên trước. Tính từ đỉnh gần nhất, giá vàng đã mất gần 130 USD/Ounce.
(Nguồn: Tham khảo Reuters)