Áp lực chạy số, doanh thu, đạt đủ KPI cộng thêm 1001 nỗi lo khi sắp Tết có lẽ là điều ai cũng từng trải qua. Với mỗi ngành nghề khác nhau, mức độ căng thẳng cũng sẽ khác nhau. Đặc biệt phải kể đến ngành ngân hàng, kế toán, tài chính...
Người ta vẫn hay trêu đùa nhau bằng mấy câu kiểu "Trai thì đừng lấy vợ làm ngân hàng, kẻo người ta làm tối mặt tối mũi chẳng lo được cho con cái." hay "Là con gái lấy chồng ngân hàng chỉ giàu về vật chất thôi chứ có mấy khi được quan tâm đâu, vì làm ngân hàng khổ mà!"...
Quả thực, dân ngân hàng rất bận, đặc biệt trong dịp cuối năm cận Tết. Thậm chí chẳng ngoa khi ví họ giống "ô sin" của thiên hạ. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của người trong cuộc để thấu hiểu hơn những gì họ đang trải qua nhé!
Anh chị em ngân hàng làm nhiệm vụ gì mà bị ví như "ô sin"?
Anh Sang Trần - nhân viên của ngân hàng V kể lại hàng tá thứ việc mà anh lẫn đồng nghiệp phải xử lý dịp cuối năm:
"Cuối năm là lúc tăng tốc gấp rút hoàn thành KPI đã đề ra. Nghề Ngân hàng thì có rất nhiều chỉ tiêu: tín dụng, huy động, thẻ, bảo hiểm, thanh toán quốc tế... Đây là những tháng ngày nước rút để chốt số liệu nên ai cũng phải khẩn trương hoàn thành đầu mục còn thiếu. Bên cạnh đó là nhiệm vụ quyết toán: thực hiện kiểm kê chứng từ, tài sản bảo đảm trong Ngân hàng, thanh toán hóa đơn, quyết toán chi phí trong năm cũ vì các chi phí này sẽ không được thanh toán vào năm sau.
Sang Trần - nhân viên ngân hàng V.
Một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của bọn mình là tặng quà Tết: là những cuốn lịch tờ, lịch bàn, thiệp chúc Tết, bao lì xì. Với lượng khách hàng lớn nên mình cũng phải chạy "show" đi tặng cho từng người. Khá là vất vả nhưng phải thực hiện trước Tết chứ không ai sau Tết mới đi tặng quà cả.
Chưa hết, dân Ngân hàng còn cần giải quyết các nhu cầu cho khách cuối năm. Vì dịp cuối năm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao nên nhu cầu vốn của khách cũng đột biến dẫn đến việc quá tải công việc. Việc cũ chưa hoàn tất quyết toán, việc mới lại đến dẫn đến tình trạng ai cũng căng thẳng dịp này.
Cuối cùng nhưng chẳng thể thiếu đó là tiệc tùng: tham gia các bữa tiệc tất niên của cơ quan, của khách hàng như là cách tri ân, giao lưu, tăng cường mối quan hệ giữa khách và Ngân hàng. Nhìn lại dịp này ai cũng tối mắt tối mũi để kịp thời xử lý cho kỳ nghỉ sắp tới. Không khí khẩn trương, lượng giao dịch, khách hàng cũng tăng đáng kể. Chẳng sướng như mọi người làm các công việc khác!"
Bạn Phương Liên, nhân viên Ngân hàng T cũng kể khổ:
"Mùa này đúng là mùa cao điểm phải làm thêm giờ, làm ngoài giờ vì trong 1 ngày không thể xử lý hết mọi việc. Đơn cử như bạn chỉ có vài ngày để tặng quà Tết, cả ngày đi tặng quà xong nhưng hồ sơ của khách vẫn chưa kịp xử lý, chứng từ vẫn chưa kịp hoàn thiện thì tự mình lại phải hy sinh cuối ngày dành thêm chút thời gian xử lý.
Cuối tuần vẫn phải dọn dẹp để khối lượng công việc giảm bớt. Ngân hàng cũng chẳng yêu cầu nhân viên tăng ca, thêm giờ nhưng nếu không xử lý thì việc tồn qua ngày nhiều lên. Do đó, mỗi người không ai bảo ai cứ tiếp tục ngồi làm ngoài giờ."
Còn bạn Lan, mới ra trường được 2 năm và làm ở ngân hàng A được 8 tháng thì nói: "Với mình có 3 áp lực ngày Tết lớn nhất. Thứ nhất là chỉ tiêu, KPI. Tết mà, ăn chơi hết mùng nên trước Tết thì sôi động nhưng nguyên tháng Giêng nhu cầu giảm hẳn vì nhiều người vẫn đang nghỉ Tết. Buồn là chỉ tiêu mình bị giao đều đều nên vẫn phải sale, vẫn phải chăm sóc khách hàng nhưng đây là tháng thực hiện KPI thấp nhất năm.
Thứ hai là hoạt động đổi tiền mới, tiền lẻ, mình cho rằng đây là công việc ám ảnh nhất. Năm nay ngân hàng nhà nước tiếp tục hạn chế in tiền mới trong khi văn hóa Việt Nam thì cứ thích lì xì tiền mới, đi chùa... nên việc xử lý sao cho khéo cũng là một vấn đề.
Cuối cùng là tiếp quỹ ATM: Trong khi Tết mọi người ở nhà sum họp thì vẫn có một số nhân viên phải đi trực tiếp tiền vào máy ATM khi hết. Tết cũng là dịp ít cảnh giác nên hay trộm cắp, lừa đảo, do đó vẫn phải có người ở cơ quan trực xử lý các vấn đề của khách hàng. Nói chung áp lực nhất là tháng Chạp cận Tết, chứ còn sau Tết thì cũng đỡ hơn nhiều."
Nỗi khổ tâm của dân Ngân hàng: Cầm tiền kha khá nhưng chẳng có thời gian tiêu!
Qua trò chuyện với các bạn nhân viên Ngân hàng, chúng ta cũng có thể hiểu được lý do vì đâu mà họ lại thấy chạnh lòng mỗi mùa Tết về. Bởi lương có thể cao thật nhưng thời gian thì lại cực kỳ hạn hẹp, thành ra rất khó để sắm sửa cho năm mới. Hầu hết khi được hỏi, các bạn nhân viên trả lời họ chỉ có khoảng 2 ngày để mua sắm trước Tết, nên cái gì cũng gấp rút và khó mà được ưng ý như bạn bè xung quanh.
Mặc dù vậy, công việc nhân viên Ngân hàng cũng cực kỳ giàu tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội tốt. Sang Trần chia sẻ thêm: "Mình nghĩ ở đây là sự đánh đổi. Vất vả thì sẽ có lương cao hơn so với mặt bằng chung. Thêm nữa là môi trường phát triển, mọi người thân thiện dù ai cũng stress. Khi chúng mình quen được áp lực rồi lại chẳng muốn nghỉ việc, bởi thực sự rất ngại thay đổi guồng quay này."
Lắng nghe tâm sự của dân Ngân hàng, có lẽ chúng ta cũng thấu hiểu phần nào những vất vả mà họ đang trải qua. Nếu bạn muốn làm một điều gì nhỏ bé giúp họ, thì đó sẽ là hãy rút tiền mặt cần tiêu dịp Tết từ sớm để tránh tình trạng quá tải những ngày gần giao thừa. Thêm nữa, đừng quên đổi tiền lẻ trước nếu dùng với mục đích lì xì, đi lễ chùa nhé!