Hơn 20 hộ dân ở hẻm 58, phường Hiệp Bình Chánh , quận Thủ Đức (TP.HCM) đang sinh sống yên ổn bỗng nhận được quyết định phải di dời khẩn cấp vì nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm. Ai nấy đều hoang mang vì không biết sẽ được bồi thường như thế nào và phải ổn định cuộc sống mới ra sao?
“Chắc không ăn Tết nổi”
Theo ghi nhận của chúng tôi, hẻm 58 nằm sát mé sông có khoảng 15 hộ dân đang sinh sống. Đa số ngôi nhà đều được xây dựng kiên cố, cao tầng, thậm chí có đến hai căn biệt thự. Một số hộ đang sử dụng diện tích gần sông để kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Huệ, một người dân, cho biết: “Tôi sống ở đây đã 20 năm, nhà được xây dựng rất kiên cố, đóng cọc nhồi, cọc ép nên đến nay chưa hề bị hư hại. Bất ngờ hồi tháng 10, UBND phường xuống thông báo, vận động mọi người di dời trong vòng năm ngày. Sự việc quá bất ngờ và chúng tôi chưa được biết thông tin bồi thường ra sao nên lo lắng không yên”.
Theo bà Huệ, lý ra địa phương phải có kế hoạch cụ thể, thông báo nguy cơ ở mức nào, giải pháp bồi thường, tái định cư ra sao để dân yên tâm. Nếu chỉ kêu gọi nhanh chóng di dời để bảo vệ tính mạng, tài sản thì rất khó thuyết phục.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Chung lo lắng: “Nếu di dời thì chỗ ở mới ít nhất phải bằng chỗ hiện tại. Trong khi nhà chúng tôi ở đang rất tốt và kiên cố thì phường vận động chuyển tới chung cư Bình Minh ở, mà chỉ được miễn phí ba tháng khiến ai cũng lo lắng. Tết này chắc ăn Tết mất vui”.
Được biết trước đó, một số hộ dân đã chuyển đến chung cư Bình Minh ở nhưng lại nhanh chóng quay về nhà cũ. “Liệu sắp xếp của TP như vậy đã hợp lý chưa, đến nay chúng tôi vẫn còn nhiều vướng mắc” - một người dân cho biết.
Vùng có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết phường có 59 hộ dân có nhà thuộc diện sạt lở, trong đó 27 căn phải di dời ngay theo chỉ đạo của TP. Tháng 10-2017, phường đã vận động, di dời được 13 hộ dân có nhà ở hoàn toàn trên sông chuyển đến chung cư Bình Minh. 14 hộ còn lại phường đang tiếp tục vận động nhưng người dân vẫn chưa đồng ý.
Trước thực trạng này, phường đã báo số lượng cụ thể, nguồn gốc pháp lý từng căn nhà cho Ban Bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức xây dựng kế hoạch tổng thể. Ban sẽ trình phương án bồi thường lên UBND TP để có cơ sở bồi thường hoặc chỉ đạo hỗ trợ.
Đại diện Phòng Quản lý giao thông thủy Sở GTVT TP.HCM cho biết qua khảo sát 40 vị trí trên địa bàn TP, phát hiện hai đoạn có nguy cơ sạt lở cao tại bờ trái sông Sài Gòn, khu vực nhà thờ Fitama, phường Hiệp Bình Chánh và bờ trái thượng lưu Long Kiểng, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Cả hai khu vực này hiện đều có nhiều người dân sinh sống.
Sở đã phối hợp với cơ quan liên quan khảo sát thực địa, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng bờ kè tại khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Theo chỉ đạo của TP, các quận, huyện phải đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 1-1-2018. Thế nhưng ở khu vực Hiệp Bình Chánh phương án bồi thường vẫn đang trong quá trình xây dựng nên người dân còn lo lắng, chưa chịu di dời.
Theo quyết định khẩn của TP, quận Thủ Đức phải phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tính pháp lý về nguồn gốc nhà đất; thống kê số lượng lao động trong độ tuổi, tính toán việc đào tạo, chuyển đổi nghề, bố trí dân cư khu vực này. Các trường hợp nhà đất có nguồn gốc hợp lệ, hợp pháp, quận phối hợp với Sở TN&MT khẩn trương lập phương án, thủ tục thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư theo quy định.
Theo Sở GTVT TP.HCM , TP còn 39 vị trí có nguy cơ sạt lở được đánh giá đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Trong đó hiện có 37 dự án đang được triển khai tại những vị trí này, gồm 23 vị trí do các đơn vị trực thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư, số còn lại do UBND các quận, huyện cùng một số đơn vị khác thực hiện.