"Nhật Bản sẽ đối mặt với những tác động kinh tế và xã hội đáng kể từ vấn đề dân số (già hóa) trong ba thập niên tới", Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit, viết trong một ghi chú hồi tháng 10.
Các khu vực bất động sản bị bỏ trống trong nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là một trong những tác động phụ ít được thảo luận nhất của những thay đổi về dân số ở đất nước này. Tuy nhiên, vấn đề này đang nhận được sự chú ý nhiều hơn khi số lượng nhà với giá phải chăng – và đôi khi là... miễn phí – được đưa lên bán trực tuyến trên các trang web gọi là "ngân hàng akiya" ngày càng tăng.
Akiya là thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những ngôi nhà bị bỏ trống. Nhiều trang web như vậy được thiết lập bởi chính quyền địa phương và các cộng đồng để quản lý tốt hơn nguồn cung cầu về số lượng nhà bị bỏ trống đang gia tăng trong thị trấn của họ.
Trên trang web inakanoseikatsu.com, một số ngôi nhà được rao là "miễn phí", và người mua chỉ phải đóng thuế và trả vài loại phí như hoa hồng dành cho đại lý. "Điều này thường là do các chủ sở hữu không thể chăm sóc tài sản của mình nữa hoặc không muốn nộp thuế bất động sản đang được áp dụng tại Nhật Bản dành cho một ngôi nhà mà họ không sử dụng", trang web bất động sản REthink Tokyo cho biết trong một bản tin hồi tháng 10.
Các ngôi nhà miễn phí đó cũng thường đòi hỏi phải nâng cấp lớn vì đã cũ và xuống cấp. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương - chẳng hạn như quận Tochigi và Nagano – hiện có chương trình trợ cấp cho công việc cải tạo nhà bị bỏ trống. Đối với những căn nhà bị bỏ trống không miễn phí, giá có thể dao động từ 500.000 yên Nhật (4.428,50 USD) đến gần 20 triệu yên (177.140 USD) tùy theo địa điểm, số tuổi và tình trạng của ngôi nhà.
Trên khắp Nhật Bản, số lượng các ngôi nhà bỏ trống vào năm 2013 là 8.196 triệu căn, chiếm khoảng 13,52% tổng số nhà ở của đất nước này, theo số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ và Truyền thông. Theo dữ liệu trên, con số của năm 2013 là cao hơn so với 7.568 triệu căn nhà bị bỏ trống của năm 2008, chiếm khoảng 13,14% tổng số nhà của Nhật Bản trong năm đó. Đến năm 2033, tỷ lệ nhà bị bỏ trống ở Nhật Bản dự kiến sẽ vượt qua mức 20%, theo Viện Nghiên cứu Fujitsu.
Các ngôi nhà bỏ trống của Nhật Bản tập trung chủ yếu ở các thị trấn nông thôn, nhưng hiện tượng này đã bắt đầu xuất hiện ở các vùng ngoại ô và những thành phố lớn hơn, theo tin của The Japan Times cho biết. Theo những thống kê chính thức, tại Tokyo, trong năm 2013, tỷ lệ nhà bỏ trống đứng ở mức 11,1% – thuộc nhóm thấp nhất trên cả nước. Tuy vậy, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 20% vào năm 2033, theo Viện Nghiên cứu Fujitsu.
"Ngay cả bằng cách giảm một nửa số lượng nhà ở mới và tăng gấp đôi số lượng nhà bị dỡ bỏ, thì cũng sẽ không thể giảm được tỷ lệ nhà bị bỏ trống. Nhà bị bỏ trống chắc chắn sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai", viện Fujitsu viết trong một báo cáo của họ.