Mỗi mầm lan đột biến được giao dịch lên đến hàng tỷ, thậm chí chục tỷ đồng, gây "sốt" ở Hòa Bình. Nhiều người dân đã cầm cố, "cắm" cả nhà cửa, đất đai, để đầu tư lan đột biến.
Thời gian gần đây tại một số địa phương như huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, TP Hòa Bình… tỉnh Hòa Bình các giao dịch mua bán lan đột biến nở rộ. Nhà nhà, người người đầu tư, mua bán lan đột biến tạo nên cơn "sốt" hoa lan đột biến. Các giao dịch, chuyển nhượng lan đột biến đều có giá trị rất lớn. Có những thương vụ lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng cho một kie lan đột biến (kie lan là những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ nằm trên thân mẹ).
Hoa lan đột biến gen đang gây "sốt" ở Hòa Bình với những giao dịch lên đến hàng tỷ, chục tỷ đồng/kie. |
Ghi nhận tại một số địa phương cũng như qua báo cáo, phản ánh của các lãnh đạo huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhiều hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền tổ chức tín dụng tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan.
Chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng tỉnh Hòa Bình thường xuyên cảnh báo người dân về việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến với giá cao bất bình thường có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro và kéo theo những hậu quả khó lường về an ninh trật tự, an toàn xã hội,...
Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình; UBND các huyện, thành phố; các sở, ban ngành trong tỉnh đều đã có các văn bản khuyến cáo, cảnh tỉnh người dân, cán bộ công chức, viên chức không nên tham gia vào hoạt động đầu tư, mua bán lan đột biến tránh gặp rủi ro khôn lường.
Người dân nhiều nơi ở Hòa Bình ồ ạt cầm cố tài sản để đầu tư mua giống lan đột biến, xây dụng những vườn lan với hy vọng đổi đời. |
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình vào cuộc
Liên quan đến vấn đề người dân ồ ạt cầm cố nhà cửa, đất đai, tài sản để đầu tư lan đột biến, mới đây Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 227/HBI-TTGSNH gửi các ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH, TCTD) trên địa bàn về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ (phòng quan hệ khách hàng, phòng kiểm tra, kiểm toán nội bộ) kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng của các hộ sản xuất, kinh doanh, tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa đột biến gen;
Phát hiện kịp thời khách hàng sử dụng vốn vay đầu tư vào lĩnh vực này để cảnh báo rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ các dự án vay vốn mới, trong quá trình thẩm định phải phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, tổ dân phố, thôn, xóm... để nắm bắt thông tin cơ bản của dự án và chủ dự án, thận trọng khi đầu tư vốn vào các dự án nêu trên;
Vườn toàn giống lan đột biến của một người dân ở Yên Thủy, Hòa Bình. |
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết Hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, có nguy cơ thất thoát vốn vay, áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn vốn vay ngân hàng.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kết hợp nắm bắt thông tin từ các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngân hàng liên quan đến các giao dịch mua, bán hoa lan bất bình thường nêu trên hoặc có hành vi thông đồng với các đối tượng lợi dụng mua, bán hoa đột biến gen để lừa đảo.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc yêu cầu trên, báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước tỉnh những vấn đề mới phát sinh để phối hợp với các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý phù hợp.
(Theo Dân Trí)