Dân số toàn cầu đã mất hàng nghìn năm để chạm mốc 5 tỷ người vào năm 1987, nhưng chỉ mất 32 năm sau đó để tiến tới 8 tỷ người, theo CNN.
Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019 của Liên Hợp Quốc (UN), dân số thế giới hiện là khoảng 7,7 tỷ người và được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050.
Có 27 quốc gia trên thế giới suy giảm dân số từ 1% trở lên kể từ năm 2010. Nguyên nhân là việc duy trì tỷ lệ sinh ở mức thấp, chủ yếu ở các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 3,2 trẻ trên một phụ nữ vào năm 1990 xuống còn 2,5 vào năm 2019 và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sự suy giảm này không đáng kể so với sự bùng nổ dân số ở các khu vực khác. Dân số tại vùng châu Phi cận Sahara được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (99%). Cùng kỳ, dân số Ấn Độ Dương không bao gồm Australia/New Zealand được dự báo tăng 56%, Bắc Phi và Tây Á tăng 46%, Trung và Nam Á 25%, Mỹ Latin và Caribbe 18%, Đông và Đông Nam Á 3%, châu Âu và Bắc Mỹ 2%.
9 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng dân số từ nay đến năm 2050, theo một nghiên cứu vào năm 2018.
Tuổi thọ trung bình toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 72,6 lên 77,1 tuổi vào năm 2050. Tuy nhiên, tuổi thọ tại các quốc gia kém phát triển nhất thấp hơn 7,4 tuổi so với trung bình toàn cầu. Theo UN, nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ em cao cùng với dịch HIV và tình trạng bạo lực tại các khu vực xảy ra xung đột.
Tại nhiều trong số các quốc gia này, dân số đang tăng trưởng nóng. Dân số đông đúc có thể góp phần gây ra các vấn đề về môi trường và xã hội như nóng lên toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy dinh dưỡng, bất bình đẳng giới và lan tràn những căn bệnh chết người.
Bên cạnh đó, dữ liệu của UN cho thấy xu hướng đáng báo động: già hoá dân số. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên toàn cầu vượt qua số lượng trẻ dưới 5 tuổi. Số lượng người từ 80 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050.
Do tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm xuống, dân số thế giới đang ngày càng già hoá. Điều này được cho là gây bất lợi cho kinh tế toàn cầu bởi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ít hơn, còn lượng người già nhiều hơn đẩy chi phí chăm sóc y tế lên cao. Theo dự báo, tới năm 2050, cứ 4 người tại châu Âu và Bắc Mỹ thì có một người trên 65 tuổi.