Ổn định dân số thành công
Chính phủ Trung Quốc ước tính, vào năm 2029, dân số nước này mới đạt đỉnh. Tuy nhiên, theo công ty phân tích cơ sở dữ liệu Global Demographics, dân số nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2023, sớm hơn 6 năm so với dự kiến. Điều này cho thấy Trung Quốc đã ổn định thành công mức dân số tổng của họ nhưng cũng làm lộ ra những vấn đề với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tony Nash, CEO và nhà sáng lập của Complete Intelligence, cho biết tốc độ tăng trưởng dân số của Trung Quốc đang chậm lại khá nhanh. Không chỉ giới hạn chính sách một con, bản thân người Trung Quốc cũng đang có tâm lý giảm tỷ lệ sinh. Bên cạnh đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Trung Quốc, được xác định là từ 15 đến 49, sẽ giảm từ 346 triệu năm 2018 xuống còn 318 triệu vào năm 2023.
Việc ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn khiến tỷ lệ trẻ sơ sinh cũng giảm theo. Nghiên cứu dự đoán rằng, 13,3 triệu trẻ sơ sinh sẽ được sinh ra ở Trung Quốc vào năm 2023, giảm so với 15,2 triệu trẻ sơ sinh trong năm 2018.
Trung Quốc bắt đầu nới lỏng chính sách một con vào cuối năm 2013. Trong giai đoạn đầu, những thay đổi này tạo ra sự gia tăng trong tỷ lệ sinh nhưng về lâu dài, điều này có thể mất đi. Tâm lý muốn sinh thêm con có thể đến ngay sau khi lệnh cấm bị gỡ bỏ. Tuy nhiên, về lâu dài, các bà mẹ sẽ không còn bị tâm lý này ảnh hưởng.
Thực tế đã chứng minh điều đó. Năm 2015 và 2016, thời điểm lệnh cấm hoàn toàn hết hiệu lực, số ca sinh trên 1.000 phụ nữ tăng mạnh từ 45,6 rồi 49,9. Tuy nhiên, đến năm 2018, con số này giảm xuống còn 43,9. Tổng số ca sinh năm 2018 giảm 12% so với 2017.
Theo nhà sáng lập của Tổ chức Nhân khẩu học Toàn cầu, Trung Quốc đã ổn định thành công dân số nước này. Tuy nhiên, việc trì hoãn nới lỏng chính sách một con đồng nghĩa với việc sụt giảm lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc chẳng thể làm gì để có nhiều em bé hơn ngoại trừ việc khuyết khích mọi người sinh thêm một em bé, điều vốn khó xảy ra khi mức sống người Trung Quốc đang ngày càng cao hơn.
Tác động của việc dân số đạt đỉnh
Đạt đỉnh dân số đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ bước vào quá trình suy giảm. Điều đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến một số doanh nghiệp nhất định. Những ngành hướng tới nhu cao sẽ sớm cảm nhận rõ hậu quả trong 5 năm tới.
"Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho trẻ sơ sinh sẽ là nạn nhân đầu tiên", Nash cho hay. Trong khi đó, các công ty tiêu dùng sẽ phải cùng nhau chia sẻ thị trường thay vì đón nhận sự tăng trưởng chung. Điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn và sẽ tiếp tục tồi tệ khi thị trường đang ngày một thu hẹp lại.
Sau ngành sản xuất, các ngành dịch vụ cũng sẽ chịu tác động. Trương mầm non nói riêng và hệ thống trường học nói chung cũng sẽ đón nhận những tác động từ việc giảm số trẻ em. Xa hơn, những ngành tiêu dùng thông thường cũng sẽ bị ảnh hưởng khi dân số Trung Quốc ít đi. Số người phụ thuộc cũng sẽ tăng lên so với sô người lao động.
Sau năm 2023, áp lực lên những người đi làm sẽ bắt đầu tăng với chi phí phụng dưỡng cha mẹ và nuôi dậy con cái. Trung Quốc, cũng sẽ gặp phải vấn đề giống hai quốc gia Đông Bắc Á khác là Nhật Bản và Hàn Quốc. Có lẽ, Bắc Kinh sẽ phải thực sự nghiêm túc tính tới việc áp dụng tự động hóa để có thể giữ vững lợi thế của mình.
Năm 2023 cũng là thời điểm tất cả các nước Đông Bắc Á sẽ đạt đỉnh về dân số. Để duy trì được danh hiệu công xưởng của thế giới, với 35% lượng hàng hóa toàn cầu được tạo ra, robot dường như là lựa chọn duy nhất với các nền kinh tế trong khu vực này. Không còn người trẻ đồng nghĩa với việc sụt giảm lực lượng lao động, Trung Quốc sẽ đánh mất lợi thế nhân công giá rẻ.
Nhiều nhà phân tích cũng đã cho rằng, nguồn lao động ở Trung Quốc đã không còn rẻ nữa. Ngay từ năm 2019, nhiều nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đang phải loay hoay đi tìm công nhân. Nền kinh tế phát triển mạnh, mức sống người dân tăng lên cùng sự bùng nổ của thương mại điện tử đã khiến số lượng lớn người Trung Quốc bỏ việc trong các nhà máy để hoạt động trong lĩnh vực này. Cuộc chiến giành lao động đang thực sự là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Người ta tìm cách thu hút nhân công bằng việc tăng lương. Điều này đã thực sự khiến lao động ở Trung Quốc không còn là lao động giá rẻ như thế giới vẫn biết trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cố bù đắp điều này bằng việc tăng cường tự động hóa và trở thành một trong những thị trường robot lớn nhất thế giới.