Thị trường cá hồi nhập khẩu trị giá 700 triệu USD của Trung Quốc đang đứng trước nhiều nguy cơ sau khi virus corona chủng mới được tìm thấy trên thớt thái cá hồi nhập khẩu tại 1 khu chợ bán buôn và thổi bùng lên ổ dịch mới ở Bắc Kinh. Những nước xuất khẩu nhiều cá hồi sang Trung Quốc nhất như Đan Mạch, Na Uy và Australia có thể bị giáng 1 đòn mạnh.
Tại các siêu thị và nền tảng bán thực phẩm trực tiếp ở nhiều thành phố lớn, cá hồi đã bị rút xuống khỏi kệ trong khi một số chuyên gia hàng đầu cảnh báo người dân không nên tiêu thụ loại hải sản giàu omega-3 này. Làn sóng tẩy chay diễn ra sau khi chủ của chợ rau quả Xinfadi, nơi có gần 100 ca nhiễm mới, cho biết virus xuất hiện trên thớt thái mà 1 người bán cá hồi nhập khẩu đã sử dụng.
Zeng Guang, chuyên gia cao cấp của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng "chúng tôi vẫn chưa tìm ra liệu con người đã truyền virus sang cá hồi hay cá hồi bị nhiễm virus từ trước đó". Ông cảnh báo người dân Bắc Kinh không nên ăn cá hồi sống hoặc mua cá hồi nhập khẩu ở thời điểm hiện tại.
Wu Zunyou, chuyên gia dịch tễ học tại CDC Trung Quốc, cũng cho rằng virus có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm đông lạnh tới 3 tháng và cơ quan này "có mối nghi ngờ cao" rằng thực phẩm bị nhiễm bệnh là nguồn tạo ra ổ dịch mới.
Mặc dù vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh được giã đông, việc người dân Trung Quốc nhanh chóng quay lưng với cá hồi phản ánh nỗi sợ xung quanh hiện tượng dịch bệnh tái bùng phát ở thủ đô Bắc Kinh, trung tâm văn hóa chính trị của Trung Quốc với 20 triệu dân. Khoảng 20 khu dân cư đã bị phong tỏa và một vài trường học đóng cửa trong khi giới chức đang ráo riết truy tìm những người đã từng tới khu chợ Xinfadi hoặc có tiếp xúc với người từng tới chợ.
Sau khi đại dịch khiến doanh thu 4 tháng đầu năm sụt giảm 30%, làn sóng tẩy chay cá hồi tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào các nhà xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc. Trước khủng hoảng, 4 nước xuất khẩu lớn nhất là Chile, Na Uy, Australia và quần đảo Faroe của Đan Mạch đã chứng kiến quy mô lực cầu tăng lên mức 686 triệu USD trong năm ngoái, hưởng lợi từ việc thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng lên và người Trung Quốc có xu hướng chuyển sang chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh hơn.
Sự việc cũng khiến cổ phiếu của các nhà sản xuất thịt lợn tăng giá mạnh trong phiên hôm qua do nhà đầu tư dự báo nhu cầu thịt lợn sẽ tăng lên nhanh chóng vì người tiêu dùng tránh xa hải sản.
Trong 1 nghiên cứu công bố hồi tháng 4, các nhà nghiên cứu của Tổ chức nông lương liên hợp quốc (FAO) kết luận virus corona chủng mới không ảnh hưởng đến các loại hải sản cũng như các sản phẩm liên quan. Có thể bỏ qua nguy cơ nếu "thực phẩm được xử lý đúng cách và hợp vệ sinh" mặc dù bề mặt thực phẩm có thể bị "ô nhiễm" nếu được xử lý bởi người mắc virus, các nhà khoa học viết trong báo cáo.