Từ 1/7, sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM) tạm đóng cửa một đường băng để sửa chữa, nâng cấp. Năng lực khai thác của mỗi sân bay giảm từ 30-40% so với khi có 2 đường băng cùng hoạt động. Kéo theo đó, lịch bay của các hãng phải thay đổi, trong khi vé đã bán ra từ trước đó. Tình trạng này dẫn tới chậm chuyến gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại, du lịch, nghỉ ngơi của hành khách.
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến "bức xúc" cho rằng, việc Bộ GTVT thực hiện sửa 2 sân bay tấp nập nhất nước vào thời điểm này là chưa hợp lý, đặc biệt rơi vào tháng cao điểm hè.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: Việc sửa chữa 2 sân bay không thể chậm lại. Khi đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ phải đóng cửa bất kể lúc nào. Từ năm 2017 tới nay, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ thực hiện đầu tư nâng cấp, nhưng ngân sách khó khăn, "tới nay mới thu xếp được vốn để làm".
Cũng vì tình trạng 2 sân bay xuống cấp nghiêm trọng, nên hoạt động thi công nâng cấp, sửa chữa phải kéo dài nhiều tháng liên tục.
“Chúng tôi đã tính toán, giờ đóng 1 đường băng để sửa chữa. Làm xong sẽ kịp mở lại cả 2 đường băng vào dịp cuối năm, phục vụ các hãng khai thác cao điểm tết 2021. Thêm nữa, giờ chỉ có các đường bay nội địa do các hãng Việt Nam khai thác nên việc điều chỉnh lịch bay sẽ thuận lợi hơn. Nếu có đường bay quốc tế, khi đó sẽ phải ưu tiên các chuyến bay quốc tế bởi theo thoả thuận song phương, bay quốc tế lợi ích kinh tế cũng lớn hơn”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Theo vị lãnh đạo trên, nếu không thi công ngay 2 sân bay thời điểm này, chỉ cần lùi lại 1 tháng, việc đóng 1 đường băng sẽ kéo dài qua cả dịp tết 2021, và "khi đó ảnh hưởng kinh tế và hoạt động bay của các hãng sẽ lớn hơn nữa" vì tết nhu cầu đi lại cao hơn dịp hè. Hơn nữa, khi đó có thể đã mở lại các đường bay quốc tế. Do đó, Bộ GTVT lựa chọn "hy sinh" cao điểm hè để phục vụ cao điểm Tết.
“Hạ tầng sân bay giờ như vậy. Chúng tôi đã tính toán để lựa chọn phương án ít ảnh hưởng nhất. Chúng tôi mong các hãng cùng chung tay, mong người dân hiểu và thông cảm”, lãnh đạo Bộ GTVT nói thêm.
Luân phiên đóng cửa
Ít ngày trước, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng gửi thư tới người dân, hành khách về việc sửa 2 sân bay đã ảnh hưởng tới hoạt động đi lại.
“Do phải luân phiên đóng cửa 1 đường băng tại mỗi sân bay để nâng cấp, cải tạo, ảnh hưởng tới năng lực khai thác, kế hoạch khai thác của các hãng hàng không; ảnh hưởng kế hoạch đi lại của hành khách, tạo sự phiền toái nhất định đối với quý khách. Do đó, Bộ GTVT và các hãng hàng không rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của quý hành khách”, trong thư ông Thể viết.
Với sân bay Nội Bài sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp với 2 đường băng (1A và 1B), và một số đường lăn và công trình phụ trợ. Tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước.
Giai đoạn 1 thi công trong 6 tháng, đóng để sửa đường băng 1B, đảm bảo xong để phục vụ cao điểm Tết nguyên đán năm 2021. Giai đoạn 2 thi công trong 12 tháng, sẽ đóng để sửa đường băng 1A ngay sau tết 2021, xong để đưa vào khai thác trước Tết nguyên đán năm 2022.
Với dự án cáo tạo, nân cấp sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ đóng để sửa 1 đường băng, 1 số đường lăn và công trình phụ trợ, tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước.
Dự án tại Tân Sơn Nhất cũng thực hiện trong 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 trong 6 tháng, đóng 1 đường băng để sửa chữa, xong để đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2021. Giai đoạn 2, trong 14 tháng, nhưng không phải đóng đường băng, đảm bảo xong vào cuối năm 2021.
Theo các hãng hàng không, du lịch và hàng không nội địa mới phục hồi sau dịch COVID-19, phải trông cậy và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa trong bối cảnh đường bay quốc tế vẫn chưa mở lại. Thậm chí, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp đang ra sức kêu gọi người dân quay trở lại với du lịch nội nội. "Việc hoạt động bay bị ảnh hưởng, chậm chuyến khiến hành khách bức xúc, ảnh hưởng tới nỗ lực kích cầu du lịch nội nội địa, hàng không cũng đang gặp khó", một ý kiến cho biết.