Tính từ thời điểm 01/03 tới nay quỹ V.N.M ETF quản lý bởi Van Eck Vector đã rút ròng 8,44 triệu USD khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó chỉ trong 2 ngày 05-06/03 quỹ này đã rút 9,38 triệu USD. Tính đến hết ngày 08/03 tổng giá trị tài sản ròng của quỹ này đạt 425.96 triệu đô, giá chứng chỉ quỹ đạt 18.81 USD/ccq. VIC (9,81%), VNM (7,36%) và NVL (7,36%) đang là 3 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quỹ này.
Một quỹ ngoại khác là FTSE ETF được quản lý bởi Deutsche Bank cũng có xu hướng rút ròng xuất hiện từ giữa tháng 2/2018 với số lượng 480.487 ccq bị bán ra (tính từ 13/02 đến nay). Hiện tại quỹ này đang có quy mô tài sàn ròng ở mức 353.46 triệu USD với giá trị 37.75USD/ccq.
Và xu hướng rút ròng còn đến từ quỹ ETF nội là quỹ VFMVN30 quản lý bởi công ty quản lý quỹ đầu tư Việt Nam. Tính từ thời điểm tháng 3/2018 số lượng chứng chỉ quỹ tụt giảm xấp xỉ 7.9 triệu ccq tương ứng với mức rút ròng khoảng 143 tỷ đồng.
Trong 2 tháng đầu năm, quỹ V.N.M đã huy động được 53.37 triệu USD, quỹ ETF nội thậm chí còn "khủng" hơn khi huy động thành công gần 100 triệu USD (2.266 tỷ đồng). Dòng tiền từ các quỹ đã làm điểm tựa cho thị trường trong thời gian này. Kết thúc tháng 2/2018 chỉ số VN index tăng 13,6% lên 1121,54 điểm.
Từ đầu tháng 3 tới nay, cả 3 quỹ ETF nội, ngoại đều bị bán ròng trong thời gian qua nhưng chỉ số VN Index vẫn tăng nhẹ 0,17% tương đương 1,87 điểm. Nhiều đánh giá cho rằng quy mô của các quỹ ETF không lớn so với quy mô thị trường hiện tại nên sức ảnh hưởng thấp. Mặc dù vậy, với việc đầu tư theo chỉ số VN30 và nắm danh mục bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn, mỗi đợt quỹ ETF bán cổ phiếu để thu hồi tiền trả cho nhà đầu tư cũng gây nên những cú sụt giảm "đáng sợ" cho chỉ số, mà phiên giao dịch ngày 05/03 là một ví dụ.